Cân đối chọn trường khi học phí đại học tăng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi mùa tuyển sinh đại học (ĐH) cận kề cũng là thời điểm nhiều trường ĐH thông báo mức học phí của năm học tới. Đây là câu chuyện đã được báo trước nên dù lo lắng vì nặng gánh hơn nhưng phụ huynh và học sinh vẫn đối mặt để tìm những lựa chọn phù hợp.

 Đồng loạt tăng học phí

Là một trong những trường ĐH thông báo tăng học phí sớm nhất, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí theo các mức: Chương trình Đào tạo chuẩn, dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm; Chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Các chương trình, học phí dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt – Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x). Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động từ 45 - 50 triệu đồng/năm; Chương trình Đào tạo quốc tế dao động từ 55 - 65 triệu đồng/năm, Chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) dao động từ 80 triệu đồng/năm. 

Sinh viên ĐH Thủ đô Hà Nội
Sinh viên ĐH Thủ đô Hà Nội

ĐH Y Hà Nội mới thông qua mức thu học phí đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH cho năm học 2022 – 2023, trong đó có một số chuyên ngành đào tạo, học phí tăng trên 70%. Cụ thể, các ngành Răng – Hàm – Mặt và khối ngành Y Dược có mức học phí là 2,45 triệu/tháng; khối ngành Sức khỏe có học phí là 1,85 triệu/tháng; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu/ tháng.

Với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) vẫn được được miễn học phí; còn các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Các trường ĐH khác ở phía Bắc và phía Nam đều đã hoặc chuẩn bị có thông báo mức học phí và về cơ bản, tất cả đều tăng khá cao trong năm học tới.

Theo lý giải của các trường đại học, việc học phí tăng dựa theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021 (Nghị định 81). Mức thu các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Học phí được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và năng lực ngoại ngữ.

Về lộ trình tăng học phí giai đoạn 2020 - 2025, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Đề án học phí của trường theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành. Đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8%/năm. Thu chi thế nào đều được thông báo tới người học”.

Cha mẹ và học sinh chuẩn bị tinh thần

Có con năm nay chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12 và nguyện vọng học ngành Răng – Hàm - Mặt (ĐH Y Hà Nội), chị Lê Thị Hồng, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: “Cả nhà nhiều đời làm nông nghiệp và hoa màu, chưa có ai đi học đại học cả nên khi con học giỏi, lại có nguyện vọng làm bác sỹ và học ĐH Y Hà Nội, gia đình rất mừng dù biết học phí của trường này là cao, thời gian học lại dài. Nếu con đạt được ý nguyện là đỗ vào trường, gia đình đã tính toán các nơi có thể vay mượn, trong đó có cả ngân hàng chính sách xã và quỹ hội phụ nữ. Giá cả cái gì cũng tăng chóng mặt nhưng khó khăn đến mấy thì chúng tôi cũng quyết tâm cho con theo đuổi ước mơ…”.

Mẹ và con tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2022
Nhiều phụ huynh đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2022

Biết rằng tăng học phí sẽ là gánh nặng cho mỗi gia đình vì ảnh hưởng của dịch bệnh quá nặng nề và dai dẳng; tuy nhiên, trước cơn bão giá hiện tại, việc tăng học phí là việc gia đình anh Nguyễn Minh Tâm, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã chuẩn bị tinh thần từ trước. “Nhà trường thông báo đóng bao nhiêu thì chúng tôi biết tăng bấy nhiêu; chỉ mong học phí tăng thì chất lượng học cũng tăng và ổn định để sau ra trường, con có kiến thức vững chắc, tự tin làm nghề”.

Vốn là học sinh có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả khi bố mẹ đều làm công, ăn lương bình thường nhưng Định Bảo Ngân, sinh viên trường Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội đã luôn nỗ lực, cố gắng đề dành học bổng loại A trong nhiều năm liền. “Số tiền học bổng loại A gấp đôi học phí nên với học bổng đạt được, em có thể đỡ được bố mẹ tiền ăn và tiền học trong nhiều năm. Đây là động lực để em học tập tốt những mong giảm gánh nặng cho bố mẹ”- Bảo Ngân tâm sự.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp mới diễn ra, nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng bày tỏ, khi các em đăng ký nguyện vọng, ngoài tìm hiểu điểm chuẩn, chỉ tiêu, ngành, nghề…, một vấn đề cần quan tâm nữa là học phí. Các em cần cân đối giữa điều kiện gia đình và mong muốn ngành, nghề, trường... của bản thân. Ví như, cùng là ngành Công nghệ thông tin nhưng học phí của ĐH Bách khoa khác mà của ĐH Thủy lợi hay ĐH Công nghiệp khác. Mọi thứ phải phù hợp bởi việc học là lâu dài, nếu biết học phí và lộ trình tăng học phí sẽ tránh việc đang học dở dang nhưng vì điều kiện khó khăn mà không thể tiếp tục học được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần