Nhưng không dừng ở “phát không động”, mà phải thấm sâu vào tâm trí mỗi người thừa hành công vụ mới hiệu quả.
Văn hóa công vụ được hiểu là một hệ thống những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, truyền thống, phong cách, biểu trưng, ngôn ngữ… được dần dần hình thành, chi phối cách ứng xử, giao tiếp trong quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ. Nó phải có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ. Đó chính là các hoạt động hằng ngày, các cách làm, thói quen, nếp nghĩ được lặp đi lặp lại trong thực thi quyền lực công của cán bộ, công chức, viên chức.
Nói thì có vẻ dễ, bởi bản thân trong Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức cũng đã đề cập. Song để làm cho đúng và trở nên thường xuyên, phải như ngấm vào trong máu thịt mỗi công bộc của dân, quả không hề đơn giản. Tôi nói vậy là bởi để tránh hiện tượng “đa nhân cách trong một con người”, kiểu như hành vi ứng xử thế nào tùy lúc.
Thật mừng là không dừng ở những phát động theo phong trào, một Đề án Văn hóa công vụ đã chính thức được Chính phủ triển khai đến các ngành, các cấp, nhằm mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, minh bạch của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức, viên chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân...
Một trong những điều được đề cập trong Đề án Văn hóa công vụ khiến dư luận đặt nhiều kỳ vọng là sự thay đổi cách giao tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ với Nhân dân sẽ “chữa” triệt để được “căn bệnh” cửa quyền, hách dịch, thờ ơ, vô cảm, “hành” dân là “chính” của công chức cơ sở khiến dư luận xã hội bức xúc lâu nay và đặc biệt ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt.
Bởi qua các cuộc triển khai của Bộ Nội vụ vừa qua, việc ngăn chặn hành vi tham nhũng vặt được đề cập khá kỹ. Việc này có lẽ đã là câu chuyện nhức nhối lâu nay, tuy cũng đã có chuyển biến mà theo tôi, nếu có dịp đi làm thủ tục hành chính tại Hà Nội, thậm chí ở ngay một vài khâu lâu nay bị xem như nổi cộm như là xin cấp sổ đỏ, như xin cấp hộ chiếu, thẻ căn cước công dân... chúng ta sẽ thấy đã tiến bộ khá rõ và rất đáng mừng.
Dư luận đã từng phẫn nộ và phê phán nghiêm khắc vụ cán bộ phường Văn Miếu (Hà Nội) vô cảm, làm khó người dân khi xin giấy chứng tử cho người thân hồi tháng 7/2017. Nhưng cũng từ thực tế đáng buồn này mà Hà Nội đã có lý do để chấn chỉnh lại quyết liệt và nay đã chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi cảm nhận, ở một số lĩnh vực, dân vẫn còn ta thán nhiều, chưa hài lòng với người thừa hành công vụ; tình trạng nhũng nhiều để “chung chi”, nhận “lót tay” vẫn chưa dứt...
Do đó, cùng với cơ chế hành chính một cửa, công nghệ hiện đại tạo nên sự thông thoáng đã và đang lấy được lòng tin của người dân, để thực sự cải thiện văn hóa công sở, hình thành đạo đức công vụ cho mỗi người công bộc của dân, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức phải được đặc biệt coi trọng ở mọi lúc, mọi nơi.
Để làm sao mọi hành vi ứng xử nơi công sở có văn hóa, văn minh được thấm sâu vào trong tâm trí mỗi người, không nên ứng xử lúc thế này lúc thế nọ, hình thức mà không nhất quán; đừng thực thi kiểu hời hợt, giả tạo và hình thức mang tính đối phó theo kiểu làm công ăn lương thuần túy. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ tham nhũng vặt, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và DN. Bên cạnh việc xử lý vi phạm thì cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Một bức tranh xã hội sáng sủa hơn đã và đang khởi sắc trong văn hóa công vụ gần đây khiến người dân qua đó thêm tin tưởng, tôn trọng vào hệ thống chính trị từ cơ sở đến T.Ư. Tin rằng cái “tệ” tham nhũng vặt từng khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự xuống cấp của đạo đức công vụ sẽ không còn nhức nhối.