Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc thiệt hơn khi biên soạn thêm bộ sách giáo khoa của Nhà nước

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, vấn đề biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) của Nhà nước lại được nhắc đến. Việc có thêm một bộ sách sẽ được gì, mất gì, có lợi không và cái lợi này hướng đến ai là những câu hỏi tiếp tục được đưa ra.

Thêm một bộ sách là không cần thiết và lãng phí?

Phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ ngày 24/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và có một số SGK cho mỗi môn học.

Vấn đề có cần biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước vẫn gây tranh luận
Vấn đề có cần biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước vẫn gây tranh luận

Theo bà Thúy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đủ SGK của các môn học.

Đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả 3 cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm SGK lên con số hơn 1.200 tỷ đồng.

''Vậy có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để làm thêm một bộ SGK nữa hay không và việc ra đời một bộ SGK của Nhà nước có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không'', bà Kim Thúy đặt vấn đề.

Bà Kim Thúy nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020 quy định: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó".

Luật Giáo dục ban hành sau Nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Không quy định Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.

Do đó, bà Kim Thúy cho rằng, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK sẽ vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Bà đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK trước khi quyết định. "Nên chăng để thực hiện hết một chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông; khi đó mới tiến hành điều chỉnh thì phù hợp và thuyết phục hơn", bà Kim Thúy gợi mở.

Bỏ ra 400 tỷ, hưởng lợi lâu dài là xứng đáng!

Theo dõi sát diễn biến của kỳ họp Quốc hội về vấn đề biên soạn SGK, bạn đọc và cử tri cả nước bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và cho rằng, 3 bộ SGK đang lưu hành đã được Bộ GD&ĐT thẩm định kỹ lưỡng. Nếu Bộ ra SGK riêng thì gần như triệt tiêu các bộ sách khác, đảo ngược quá trình xã hội hóa.

Nhiều ý kiến mong muốn sớm có thêm bộ SGK của nhà nước (Ảnh: Lớp học Trường Tiểu học và THCS Newton 5)
Nhiều ý kiến mong muốn sớm có bộ SGK của Nhà nước (Ảnh: Lớp học trường Tiểu học và THCS Newton 5)

Ngược lại, đông đảo ý kiến cho rằng, việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn, là tiếng nói của phụ huynh, giáo viên và học sinh vì nhiều cái lợi mang đến, trong đó có việc giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh; tạo sự thống nhất trong quá trình dạy và học.

“Thà mất 400 tỷ đồng mà sử dụng được lâu dài còn hơn là 1 bộ sách chỉ dùng 1 lần” hay “Đừng nên tiết kiệm 400 tỷ đồng mà để tình trạng SGK lộn xộn và nhiều "sạn" như hiện nay” là những ý kiến thẳng thắng được bạn đọc đưa ra.

Bạn đọc Lê Minh nêu: "Xã hội hóa SGK mục đích để chống độc quyền. Nhưng mục tiêu này có vẻ nhạt nhòa bởi xã hội hóa SGK đang biến tướng theo chiều hướng khác. Đó là việc cạnh tranh chiết khấu cao, bắt tay ngầm để bộ sách của mình được chọn càng nhiều càng tốt... Cách thức ghi trực tiếp vào sách để chỉ sử dụng một lần cho một năm học rồi bỏ rất lãng phí. Có nhiều đầu sách khiến việc tìm mua của phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn. Làm bộ SGK của Nhà nước, do Bộ GD&ĐT biên soạn và sử dụng chung cho tất cả các vùng miền thống nhất trong cả nước thì không gọi là lãng phí mà là rất nên làm".

Là người kiên định quan điểm về việc cần thiết có thêm một bộ SGK của Nhà nước, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT Đặng Tự Ân khẳng định: Khi Nhà nước có một bộ SGK thì không cần tiếp thị, không phải trả bản quyền tác giả nên giá thành sẽ thấp xuống. Bộ sách của Nhà nước đi sau tất nhiên có nhiều lợi thế hơn trong việc rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại của các bộ sách hiện có, từ đó tối ưu hóa cái chuẩn. SGK của Nhà nước cũng mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, phụ huynh và cho cả giáo viên.

“Bỏ ra gần 400 tỷ đồng để làm cái mình đang sẵn, mới nghe thì thấy quả là lãng phí, khác nào “thừa giấy vẽ voi”; nhưng có thấu tâm tư của phụ huynh học sinh mỗi đầu năm học mới, có nghe chi phí chiết khấu của các khâu trung gian phát hành sách, có thấy những cuốn sách còn mới tinh đã mang bán đồng nát dù sử dụng có 1 năm... mới thấy sự cần thiết phải có bộ sách của Nhà nước. Biên soạn thêm một bộ SGK là yêu cầu từ thực tiễn và thực hiện sớm ngày nào thì người dân được hưởng lợi sớm ngày đó”, một chuyên gia giáo dục cho biết.

 

Trước đó, khi thực hiện giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập về vấn đề SGK hiện nay như: Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn; Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian; Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; Việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn; Quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ; Giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2018 tăng gấp 2- 4 lần giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2006; Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.….

Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, đề nghị “Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK”. Ngày 18/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký vào Nghị quyết này.