Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết kế hoạch đã nhận được phản hồi tích cực từ Ủy ban châu Âu, đồng thời cho biết thêm rằng dự luật có thể được công bố vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2023.
Sau nhiều tháng đàm phán với Brussels, ông Lauterbach cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra một đề xuất phù hợp với luật pháp châu Âu”.
Vào tháng 10/2022, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch sẽ đề xuất dự thảo về hợp pháp hóa cần sa đối với người trưởng thành nhằm mục đích cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Ông Lauterbach nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ đưa dự thảo này ra Bundestag-Quốc hội Liên bang Đức-nếu chúng phù hợp với luật pháp EU.
Nếu luật này được thông qua thì cần sa sẽ không còn được coi là chất gây nghiện và công dân trên 18 tuổi sẽ được phép mang theo tối đa 30 gram chất này để sử dụng. Người tiêu dùng cũng sẽ được tự do trồng tối đa ba cây tại nhà, đồng thời các cửa hàng và hiệu thuốc được cấp phép sẽ có thể bán các sản phẩm cần sa.
Nếu được quốc hội thông qua, dự luật có thể được thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến giữa năm 2024. Điều này sẽ biến Đức trở thành thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên ở EU cho phép bán thương mại cần sa.
Trong khi đó mặc dù Hà Lan cho phép sử dụng cần sa, nhưng về mặt kỹ thuật, việc trồng và bán loại thuốc này cho các quán cafe bị coi là bất hợp pháp. Còn các quốc gia khác như Malta thì việc hợp pháp hóa đã bị hạn chế.
Tương lại tràn ngập cần sa
Hợp pháp hóa cần sa là một trong một loạt các chính sách tiến bộ xã hội do chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đề xuất.
Theo ông Lauterbach, hiện khoảng 4 triệu người ở Đức đã sử dụng cần sa vào năm 2021 và một phần tư trong số thanh niên thuộc độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi đã thử nó. Vì vậy, mục đích của những thay đổi là nhằm tăng cường việc giám sát của người dân và giảm tội phạm liên quan đến ma túy.
Martin Chodorowski, giám đốc bộ phận Account của Tom Hemp's, một nhà bán lẻ Cannabidiol (CBD) có trụ sở tại Berlin cho biết: “Cho đến nay, chính phủ thực sự rất cởi mở khi bàn về chủ đề này”.
CBD là một hợp chất tự nhiên có trong cần sa, nhưng không gây nghiện, có nguồn gốc từ cây gai dầu. Kể từ năm 2017, việc bán chất này được xem là hợp pháp ở Đức, với điều kiện là hàm lượng Tetrahydrocannabinol (THC) - thành phần tác động lên thần kinh chính của cần sa - dưới 0,2%.
Theo một nghiên cứu năm 2021 từ Đại học Heinrich Heine Dusseldorf, việc hợp pháp hóa cần sa có thể tạo ra 27.000 việc làm mới và mang lại thêm 4,7 tỷ euro (5 tỷ USD) mỗi năm từ tiền thuế, đóng góp an sinh xã hội và tiết kiệm chi phí truy tố tội phạm.
Những rào cản pháp lý từ EU
Chính phủ Đức cần phải có sự chuẩn bị tốt để dự luật này phù hợp với tiêu chuẩn của EU, các hiệp ước quốc tế về ma túy và vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Châu Âu từ lâu đã rất thận trọng đối với việc hợp pháp hóa các chất gây nghiện. Pháp luật EU trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi bán các loại thuốc không hợp pháp bao gồm cần sa tại bất cứ quốc gia thành viên nào.
Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng sẽ gặp rào cản từ các hiệp ước quốc tế, bao gồm cả công ước duy nhất của Liên Hợp Quốc năm 1961 về ma túy, mặc dù các quốc gia như Canada và Uruguay đã không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nào kể từ khi chuyển sang hợp pháp hóa loại thuốc này.
Không chỉ vậy, Khối Schengen, trong đó Đức là một thành viên, hiện đang cấm nhập khẩu thuốc bất hợp pháp qua biên giới Châu Âu. Điều này có nghĩa là Đức sẽ cần chứng minh rằng họ có thể sản xuất đủ nguồn cung trong nước mà không làm ảnh hưởng đến các chính sách liên quan đến ma túy của các nước láng giềng.
Bộ Y tế Đức hiện chưa xác nhận chi tiết về dự luật với báo giới. Nhưng các tài liệu sơ bộ cho thấy chính phủ sẽ ban hành một tuyên bố giải thích để chứng minh rằng việc hợp pháp hóa sẽ giúp bảo vệ thanh niên và chống buôn bán ma túy bất hợp pháp.