Minh họa. Nguồn Internet |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 12/2016, toàn TP có 719 trường tiểu học. 609 trường THCS và 208 trường THPT với tổng số học sinh từ tiểu học đến THPT là hơn 1,2 triệu học sinh. Trong số này có nhiều học sinh chưa biết bơi, trong khi Hà Nội có diện tích rộng, nhiều loại địa hình với nhiều sông, hồ, ao và các công trình đang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho học sinh… Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, thực hiện công văn của Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh; công văn số 2470/UBND-KGVX ngày 28/4/2016 của UBND TP Hà Nội; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/6/2016 của Chủ tịch UBND TP về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em trên điạ bàn TP. T
rong năm qua, công tác phổ cập bơi và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn TP đã được Sở GD&ĐT triển khai rộng rãi và đạt được những kết quả bước đầu. Trong đó, mô hình “Bể bơi thông minh” có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp việc dạy bơi đại trà trong các trường tiểu học như: bể bơi được lắp đặt phù hợp với diện tích của trường hiện có; thuận lợi trong việc tổ chức, quản lý học sinh; sau khi sử dụng có thể tháo dỡ bể, trả lại mặt bằng cho nhà trường để tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phổ cập bơi cho học sinh lớp 3,4,5, trên thực tế khi triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập như: trường có cơ sở vật chất lại không có kinh phí để xây dựng, lắp bể bơi; có trường huy động được vốn lại không có diện tích;…
Về đội ngũ giáo viên, mặc dù trong những năm qua, ngành GD-ĐT Thủ đô đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tiểu học song đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để có thể dạy bơi cho học sinh trong các trường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, yếu tố ngoại cảnh (điều kiện, thời tiết) ở Hà Nội tính thời gian 1 năm thường lạnh nhiều hơn nóng, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy bơi…
Với những khó khăn trên, lãnh đạo Ngành giáo dục Thủ đô kiến nghị UBND TP Hà Nội: Cần đầu tư kinh phí từ TP, có chính sách hợp lý cho đội ngũ giáo viên dạy môn bơi, vì một lớp học bơi với trung bình từ 20- 25 học sinh ít nhất phải có 2 giáo viên dạy và quản lý mới có hiệu quả.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã: Có kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc xây dựng bể bơi mini hoặc lắp đặt “Bể bơi thông minh” trong các trường học trên địa bàn. Chỉ đạo các Trung tâm Văn hóa – Thể thao của quận, huyện, thị xã tổ chức nhiều lớp học bơi trong hè, thực hiện miễn kinh phí với học sinh hoàn cảnh khó khăn, giảm kinh phí với đối tượng học sinh tiểu học…