Ngày 17/3, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) phối hợp với Đại học Kyoto, Viện nghiên cứu Nikkensekkei (Nhật Bản) tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 2 “Hướng tới quy hoạch đô thị toàn diện về Kinh tế - Xã hội, sử dụng đất, Xây dựng, giao thông và môi trường- Triển vọng của mô hình tính toán kinh tế đô thị”. Tại Hội thảo, TS.KTS Nguyễn Trúc Anh- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô trình bày nghiên cứu Quy hoạch tổng thể không gian: Xu hướng quy hoạch trên nền quy hoạch xây dựng có tích hợp một số quy hoạch khác.
Theo TS Nguyễn Trúc Anh, quy hoạch xây dựng tại Việt Nam là quy hoạch vật thể. Đây cũng chính là công cụ kiểm soát duy nhất có tính pháp lý mạnh để triển khai các dự án xây dựng và đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hệ thống quy hoạch song song tồn tại và có tính ngang bằng pháp lý, kể cả quy hoạch tổng thể xã hội, quy hoạch sử dụng đất hay các quy hoạch ngành… Do vậy, việc hợp nhất một số loại quy hoạch vào một hệ thống quy hoạch chính thống nên được tính toán để phù hợp với xu thế tất yếu. Hiện, Việt Nam chưa có các phân vùng theo ranh giới cụ thể và chính thống, gây khó khăn cho việc triển khai các quy hoạch và làm định hướng. Bởi vậy, cần thống nhất các phân vùng theo nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia, lấy đó làm cơ sở để triển khai các loại quy hoạch và dự án phát triển sau này.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 là một trong ba quy hoạch chủ đạo trong hệ thống quy hoạch thành phố Hà Nội. Quy hoạch tổng thể này bao gồm quy hoạch xây dựng chung và quy hoạch sử dụng đất, trong đó lại tiếp tục chia nhỏ thành các quy hoạch như chung thị trấn, phân khu, kinh tế xã hội cấp huyện, ngành-lĩnh vực, sử dụng đất cấp quận-huyện. Với bối cảnh thực tế là Thủ đô, các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên & Môi trường đã tập trung giới thiệu về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng thành phố của Hà Nội giai đoạn năm 2030-2050. Tại Hội thảo, GS.TS Kiyoshi Kobayashi, và PGS Kakuya Matsushima đến từ Đại học Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch hợp nhất về sử dụng đất-giao thông và môi trường, mô hình kinh tế đô thị, chương trình nghiên cứu NKU - CUE, phân tích các chính sách phát triển đô thị bằng mô hình CUE của Nhật Bản và triển vọng phát triển ở Việt Nam.
Kinhtedothi - TS Nguyễn Trúc Anh- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô trình bày nghiên cứu Quy hoạch tổng thể không gian |
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Các ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều phương diện và góc độ: Không gian đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống giao thông, thể chế, về quy hoạch hợp nhất... Với các tham luận và ý kiến đóng góp tại hội thảo đã đem đến cách nhìn mới, toàn diện hơn trong quy hoạch chung đô thị. Trên cơ sở đó các nhà quản lý, nhà khoa học, giới chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn phương án quy hoạch và đề xuất các giải pháp quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị toàn diện về Kinh tế - Xã hội, sử dụng đất, Xây dựng, giao thông và môi trường- Triển vọng của mô hình tính toán kinh tế đô thị tại Việt Nam.