Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ tiền tỷ của phụ huynh:

Cần xử lý nghiêm để tránh tạo tiền lệ xấu!

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ký hợp đồng vay vốn hàng chục tỷ đồng của phụ huynh có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, các luật sư kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc xử lý triệt để, tránh tạo tiền lệ xấu.

Trường AISVN vay tiền phụ huynh

Những ngày qua, sự việc một số phụ huynh tập trung trước cổng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường AISVN) tại Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, để căng băng rôn với nội dung yêu cầu bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng Trường AISVN trả nợ, đã gây chú ý của dư luận.

Theo phản ánh, vấn đề này xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn. Theo đó, phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh.

Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… Trường AISVN sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.

Thế nhưng đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ, số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.

Một "Hợp đồng vay vốn" giữa Trường AISVN và phụ huynh
Một "Hợp đồng vay vốn" giữa Trường AISVN và phụ huynh

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, bà P.C.L. cho biết, trước đó, Trường AISVN thông qua người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch Hội đồng trường) đã ký 2 hợp đồng vay vốn của bà, với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng, lãi suất 0%.

Điều kiện của 2 hợp đồng vay tiền là học sinh N.D.C. (học sinh lớp 1) và N.D.M (học sinh lớp 4), con của bà P.C.L. được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi hai em kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường.

Tuy nhiên, sau khi bà P.C.L. đã hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ có liên quan, đồng thời yêu cầu hoàn trả đủ số tiền đã cho trường vay theo đúng thỏa thuận đã ký, thì phía nhà trường vẫn chưa thực hiện đúng và đủ các cam kết.

Tương tự, anh N.C.T. cũng cho biết, năm 2018, Trường AISVN ký hợp đồng vay vốn của anh, tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 0%. Đổi lại, hai con anh được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường.

Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi con anh kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, khi con anh N.C.T. đã hoàn thành thủ tục chuyển trường từ lâu, quá thời hạn thanh toán, qua nhiều buổi làm việc, nhà trường vẫn không hoàn trả lại khoản tiền đã vay nói trên. 

“Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, hoàn toàn không nắm được tình hình tài chính của Trường AISVN, hợp đồng cũng không nói trường vay tiền để làm gì. Chúng tôi cho vay vì thấy có lợi, và tin tưởng vào uy tín của trường” - anh N.C.T. nói.

Được biết, hiện nay nhóm phụ huynh học sinh thực hiện hợp đồng vay vốn như trên có khoảng hơn 20 người. Trong đó, có phụ huynh vì quá tin tưởng đã cùng lúc ký 4 hợp đồng với tổng số tiền là 8 tỷ đồng.

Phụ huynh Trường AISVN đến cổng trường căng băng rôn đòi nợ ngày 21/9 vừa qua
Phụ huynh Trường AISVN đến cổng trường căng băng rôn đòi nợ ngày 21/9 vừa qua

Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?

Liên quan đến vụ việc nói trên, ngày 4/10, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, phụ huynh cho nhà trường vay một khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng cũng vô cùng nguy hiểm vì số tiền đầu tư càng lớn thì tiềm ẩn nguy cơ rủi ro càng cao. Bởi thực tế cho thấy, việc một trường học ngoài công lập hoạt động như một công ty, hay doanh nghiệp gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản là hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hậu Covid-19 đầy khó khăn như hiện nay.

“Giao dịch vay mượn giữa trường và phụ huynh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vay tiền không cần có tài sản bảo đảm, không bị ràng buộc về các điều kiện vay khiến các trường có thể lạm dụng hình thức này để vay dùng cho mục đích khác, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ. Chưa kể, món tiền đó không được bảo hiểm và nếu trường phá sản thì cũng chỉ thực hiện theo Luật Phá sản của doanh nghiệp vì hầu hết trường tư hoạt động như một công ty, hay doanh nghiệp vì lợi nhuận ” – luật sư Thảo nói.

Từ đó, lời khuyên mà luật sư Thảo dành cho các phụ huynh lúc này là, trong trường hợp nếu nhận thấy trường học sắp phá sản hoặc tuyên bố phá sản, phụ huynh với tư cách là “chủ nợ" có quyền yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của trường để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo các quy định của Luật Phá sản.

Đặc biệt, luật sư Thảo nhấn mạnh, tranh chấp giữa phụ huynh và nhà trường nếu xảy ra thuộc về tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, nếu cơ sở giáo dục sử dụng nguồn tiền vào mục đích vi phạm pháp luật khiến không đủ khả năng chi trả theo cam kết của hợp đồng đã ký, hoặc cơ sở giáo dục dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì có dấu hiệu phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Từ thực tế hiện nay, luật sư Thảo kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục.

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn)
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn)

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn) cũng cho biết, các cơ sở giáo dục ngoài công lập (tức trường học) trực thuộc một pháp nhân là một doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp thành lập dự án đầu tư gắn liền với thành lập và hoạt động của một hay nhiều cơ sở giáo dục nào đó. Tuy nhiên, khi trường học được thành lập, bắt phải tuân theo Luật Giáo dục và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo hay Phòng Giáo dục và Đào tạo… tùy vào cấp giảng dạy, loại hình giảng dạy và nếu có dạy nghề thì thêm ngành Lao Động- Thương binh và Xã hội quản lý, cấp phép cho trường.

Vì vậy, các khoản thu, đóng, quản lý và sử dụng học phí tại các trường đã có quy chế và quy định, phê duyệt rành mạch. Theo đó, ngoại trừ những nguồn, khoản thu đã được phê duyệt, nhà trường không được thu thêm, thu ngoài những thu khác. 

“Đơn giản là như vậy nhưng với trường hợp của Trường AISVN, họ đã cố tình không tách bạch các hoạt động quản lý, đầu tư thuộc các hoạt động riêng biệt của nhà trường ra khỏi hoạt động doanh nghiệp. Cố tình dùng trường học như "cần câu", đem ra câu những con cá là phụ huynh, là học sinh bằng việc ký các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, huy động vốn, vay mượn... với bên ngoài vốn dĩ là các hợp đồng thuộc về hoạt động doanh nghiệp” – luật sư Tùng phân tích.

Cũng theo luật sư Tùng, hành vi biến nhà trường thành tổ chức hoạt động tài chính, sử dụng con dấu của nhà trường để ký “Hợp đồng vay vốn” như trên là sai, là trái luật. Còn từ hành vi này, sử dụng công cụ nhà trường sai mục đích, rồi chiếm đoạt tiền không trả là có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.