Quyết định này một lần nữa khẳng định mâu thuẫn trong quan hệ tuy cần nhau nhưng không ngừng đối đầu giữa Đông và Tây.
Theo kế hoạch, hôm nay (22/4), Gazprom nhận được danh sách cáo buộc Tập đoàn lợi dụng vị thế chi phối thị trường ở Đông và Nam Âu để bán giá quá cao từ Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager. Nếu thất bại trong vụ kiện này, Gazprom có thể đối mặt với án phạt hàng tỷ USD trong bối cảnh đang phải vật lộn với thời kỳ giá dầu lao dốc. Tất nhiên, với vị thế là nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho châu Âu, Gazprom và đứng sau là chính quyền Moscow sẽ không khoanh tay đứng nhìn động thái mang tính khiêu khích này của EU.
Hồi đầu tháng, Gazprom đã thông báo sẽ chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine khi các hợp đồng với Naftogaz - công ty đường ống dẫn khí của nước này hết hạn vào năm 2019. Động thái của Gazprom đã khiến EU phải lo lắng bởi khoảng 80% khí đốt của Nga cho châu Âu được vận chuyển qua Ukraine. Còn nhớ, hồi tháng 1/2009, Gazprom đã ra lệnh cắt giảm trung chuyển qua Ukraine khiến người dân tại 6 quốc gia Đông và Đông Nam Âu phải khốn khổ vì thiếu khí đốt.
Trong khi EU vẫn đang lúng túng tìm nguồn cung năng lượng với hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào các đường ống dẫn dầu của Nga qua Ukraine, Moscow đã cao tay đi nước cờ thiết lập đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Điều đáng nói, cả 2 đối tác trong dự án này của Nga, một là thành viên đang được EU ra sức cứu trợ, một là đối tác và đồng minh thân cận của EU. Trái đắng này khiến các quốc gia chủ chốt lo ngại về sự xa rời chính sách chung ngoại giao với Nga của liên minh. Sự chia rẽ trong nội bộ EU được chứng minh bằng cuộc họp bàn về các biện pháp trừng phạt tăng thêm với Nga không có kết quả.
Giữa lúc phải chờ đến cuộc họp thượng đỉnh châu Âu vào tháng 6 tới, những vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt Nga mới được quyết định, Moscow đã đi trước một bước trong việc lôi kéo các thành viên của lục địa già. Với khoảng 20 công ty của Hy Lạp và Hungary được cấp phép xuất khẩu nông sản vào Nga và đợt soát xét điều kiện cho các công ty của CH Síp sẽ bắt đầu từ ngày 27/4, Moscow đã giúp những nước “vùng trũng” của EU thoát khỏi nguy cơ bất ổn xã hội và thiệt hại kinh tế kéo dài. Chính quyền Hungary từng phải đối mặt với tình trạng nông dân biểu tình đòi bồi thường thiệt hại do Nga cấm nhập khẩu nông sản. Với Hy Lạp, quyết định này giúp Athens có thêm nguồn thu hàng tỷ USD trong bối cảnh nguồn tiền mặt đang cạn kiệt bởi các chủ nợ quốc tế không chịu giải ngân gói cứu trợ.
Những tuyên bố và hành động mang tính lôi kéo hay cảnh báo được đưa ra bởi các cơ quan chức năng Nga hay EU cho thấy, cuộc đối đầu trên các phương diện ngoại giao và kinh tế, thương mại giữa hai bên chắc chắn còn kéo dài, dù mức độ và quy mô sẽ có sự điều chỉnh theo từng thời kỳ, bởi thực ra cả hai bên có rất nhiều ràng buộc về mặt lợi ích.
Nga sẽ dỡ bỏ lệnh xuất khẩu nông sản của Hungary, Hy Lạp và CH Síp. Ảnh: Reuters
|