Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Kosovo - Serbia, nguy cơ xung đột?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối quan hệ rạn nứt lâu dài giữa Kosovo và Serbia một lần nữa nổi lên với mầm mống đe dọa sau một trong những đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Serbia đã rút một số binh sĩ khỏi biên giới Kosovo sau khi Mỹ cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt đối với điều mà Nhà Trắng gọi là sự tăng cường quân đội và thiết giáp của Serbia.

Tổng thống Serbia, Aleksandar Vučić, thông báo ông đã ra lệnh rút quân. Trong một tuyên bố với Financial Times, ông cho biết bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ phản tác dụng, đồng thời nói thêm: “Serbia không muốn chiến tranh”.

Căng thẳng gia tăng sau khi người Serbia thiểu số được trang bị vũ khí hạng nặng xông vào làng Banjska của Kosovo. Ảnh: AFP
Căng thẳng gia tăng sau khi người Serbia thiểu số được trang bị vũ khí hạng nặng xông vào làng Banjska của Kosovo. Ảnh: AFP

Nguyên nhân dẫn đến vụ xung đột mới nhất là vụ sát hại một sĩ quan cảnh sát Kosovo và vụ xả súng sau đó tại một tu viện vào cuối tuần trước, nhưng nguồn gốc của những căng thẳng đã có từ những năm 1990 và sự tan rã của Nam Tư cũ.

Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại, cảnh báo về việc xây dựng các đơn vị pháo binh, xe tăng và bộ binh cơ giới tiên tiến của Serbia gần biên giới Kosovo, đồng thời kêu gọi “giảm căng thẳng ngay lập tức”.

Lịch sử căng thẳng 

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, sau cuộc chiến tranh 1998-99, trong đó người Albania ở Kosovo cố gắng tách khỏi Cộng hòa Liên bang Nam Tư, bao gồm Serbia và Montenegro ngày nay. Cuộc chiến là đỉnh điểm của nhiều thập kỷ căng thẳng sắc tộc giữa cộng đồng người Albania và người Serbia trong khu vực.

Trong chiến tranh, NATO đã can thiệp để bảo vệ cộng đồng đa số người Albania ở Kosovo. 

Cho đến nay, chủ yếu người dân tại Kosovo mang gốc Albania, tuy nhiên tại miền Bắc vùng lãnh thổ này lại có phần lớn người gốc Serbia sinh sống. Cộng đồng người gốc Serbia này, với số lượng khoảng 50.000 chưa từng công nhận chính quyền Kosovo tại thành phố Pristina.

Số này - sống ở các khu vực phía Bắc và ngày càng đòi hỏi quyền tự trị lớn hơn trước sự phổ biến của người dân tộc Albania. 

Điều gì gây ra sự bùng phát mới nhất?

Căng thẳng bùng phát vào ngày 24/9, khi nhóm bán quân sự người Serbia được vũ trang đầy đủ phục kích đội tuần tra của Kosovo, khiến 1 cảnh sát thiệt mạng. 

Trong cuộc đối đầu giữa cảnh sát Kosovo và khoảng 30 người đàn ông Serbia được trang bị vũ khí hạng nặng tại làng Banjska ở miền Bắc Kosovo, cảnh sát cho biết họ đã tiêu diệt 3 đối tượng tấn công có vũ trang và bắt giữ một người khác. 

Phía Kosovo cho biết họ đã tìm thấy “thiết bị hậu cần, các phương tiện quân sự bị nghi ngờ, quân phục cũng như vũ khí và đạn dược thuộc các loại cỡ khác nhau” tại một địa điểm dân cư mà những kẻ tấn công đang sử dụng. Giống như những ngôi làng khác ở phía Bắc, Banjska chủ yếu là người Serbia.

Trong một bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti mô tả vụ nổ súng ở Banjska là một “cuộc tấn công khủng bố” do “các băng nhóm tội phạm Serbia” thực hiện.

Bạo lực bùng phát hôm 24/9 là sự nối tiếp tình trạng bất ổn hồi tháng 5 khiến hàng chục binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO bị thương sau khi họ bị người thiểu số Serbia tấn công ở miền Bắc Kosovo.

Bạo lực bùng phát sau khi những người biểu tình Serbia cố gắng ngăn cản các thị trưởng người Albania mới được bầu nhậm chức tại thị trấn Zvecan phía Bắc, sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 4.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phủ nhận các cáo buộc, cho rằng Serbia sẽ không được hưởng lợi từ việc gây nguy hiểm cho vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán bình thường hóa do EU bảo trợ với Pristina, Reuters đưa tin.

Ông Vucic cũng lên án cảnh sát Kosovo vì bắn tử vong một trong những tay súng sau khi anh này đầu hàng “từ khoảng cách một mét” và cam kết sẽ điều tra các sự kiện xung quanh vụ bạo lực, bao gồm cả nguồn gốc vũ khí bị cảnh sát Kosovo thu giữ sau vụ việc.

Nhà Trắng đã cảnh báo rằng vụ việc này là mối đe dọa đối với sự an toàn của không chỉ quân nhân Kosovo mà cả quân nhân quốc tế bao gồm cả quân đội NATO.