Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Mỹ - Iran tăng nhiệt khiến giá dầu chạm mức cao nhất gần 1 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên 26/6 khi căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang mạnh và dự trữ dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.

Giá “vàng đen” leo dốc mạnh trong phiên này do Mỹ ngừng hoạt động tại một nhà máy lọc dầu lớn và lượng dầu dự trữ của nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Ngày 25/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ tấn công Iran để đáp trả đối với bất cứ cuộc tấn công nào của Tehran “nhằm vào bất cứ thứ gì của Mỹ”. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi Iran khẳng định các lệnh cấm vận mới của Washington đã chấm dứt vĩnh viễn mọi con đường ngoại giao.
Giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 31/5.
Trước đó, Tổng thống Trump đã gia hạn một loạt các biện pháp trừng phạt, nhằm vào Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, quyết định khiến Iran phải đưa ra một tuyên bố về việc đóng cửa trước mọi khả năng đàm phán với Mỹ thời gian tới.
Cũng trong ngày 25/6, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani ngày 25/6 cho biết kể từ ngày 7/7, Tehran sẽ thực hiện các bước đi mới nhằm giảm các cam kết của nước này với thỏa thuận hạt nhân ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Ông Shamkhani chỉ trích các nước châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân đã không nỗ lực đủ để cứu vãn thỏa thuận, có tên gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), theo đó yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. 
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 84 xu Mỹ, lêm mức 65,89 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này trong phiên có thời điểm nhảy vọt tới 66,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/5.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 1,08 USD, lên tới 58,91 USD/thùng. Giá dầu WTI trong phiên cũng chạm mức đỉnh kể từ ngày 30/5 lên tới 59,13 USD/thùng.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới nhảy vọt trong phiên giao dịch này nhờ số liệu cho thấy dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trước đó. 
Viện Xăng dầu Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 7,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/6, xuống 474,5 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo mức giảm 2,5 triệu thùng. Mức dự trữ tại trung tâm giao nhận dầu thô của Mỹ ở Cushing, Oklahoma giảm 1,3 triệu thùng. 
Thị trường dầu mỏ nhận được lực đẩy quan trọng từ dự trữ dầu thô giảm, gián đoạn trong hoạt động lọc dầu, cùng với thời điểm căng thẳng Mỹ - Iran leo thang gây lo ngại việc vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz, tuyến vận tải chiến lược của thế giới, có thể bị gián đoạn. 
Philadelphia Energy Solutions được cho là sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn nhà máy lọc dầu tại TP Philadelphia của Mỹ sau khi cháy lớn gây thiệt hại nặng nề cho tổ hợp này.
Để tìm kiếm hướng đi dài hạn hơn, các nhà giao dich dầu mỏ sẽ theo dõi kết quả hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này, cũng như cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh diễn ra vào ngày 1 - 2/7.
Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, và Nga, đã hoãn cuộc họp chính sách của các nước trong và ngoài OPEC dự kiến từ cuối tháng 6 sang đầu tháng 7 để chờ kết quả của các cuộc đàm phán tại hội nghị G20. Các nước OPEC và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác dự kiến ​​sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng trong nửa cuối năm nay./.