Trong phiên giao dịch ngày 8/9, đà bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng khiến chỉ số Nasdaq Composite rơi vào vùng điều chỉnh, còn S&P 500 có chuỗi 3 phiên giảm mạnh nhất nhiều tháng trở lại đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, chỉ số Nasdaq Composite mất 4,1% xuống 10.847,69 điểm, qua đó góp phần nâng đà lao dốc của chỉ số này trong 3 phiên gần đây lên 10%, ghi nhận chuỗi 3 phiên sụt giảm liên tiếp tồi tệ nhất kể từ tháng 8. Theo quy ước của Phố Wall, cổ phiếu hoặc chỉ số giảm trên 10% so với đỉnh thì gọi lại rơi vào vùng điều chỉnh, giảm trên 20% so với đỉnh thì gọi là rơi vào "thị trường gấu".
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones “bay” mất 632,42 điểm (tương đương 2,3%) xuống 27.500,89 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,8% còn 3.331,84 điểm. S&P 500 đã giảm gần 7% trong 3 phiên vừa qua, đánh dấu chuỗi 3 phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6.
Cổ phiếu Tesla lao dốc 21,1% sau khi tổ chức cung cấp chỉ số S&P Dow Jones Indices cuối tuần trước quyết định không thêm cổ phiếu xe điện đang bị đầu cơ mạnh vào chỉ số S&P 500. Trước phiên sụt giảm kỷ lục ngày 8/9, Tesla đã tăng tới 400% so với đầu năm 2020 và tăng 1.000% so với 1 năm trước đó.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, Apple sụt 6,7%, dẫn đầu đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong 3 phiên vừa qua, cổ phiếu Apple đã mất tới 14%. Theo số liệu của Bespoke Investment Group, đây là chuỗi 3 phiên giảm sâu nhất của Apple kể từ tháng 10/2008.
Các cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn khác trên sàn Phố Wall cũng nhuộm sắc đỏ. Facebook và Amazon cùng giảm hơn 4%. Microsoft hạ 6,7%, Netflix mất 1,8%; Alphabet (công ty mẹ của Google) và Zoom giảm lần lượt 3,6% và 5,1%.
Bruce Bittles - trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Baird nhận xét: "Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa siêu lớn đã vượt quá xa mức lịch sử. Các chỉ báo kỹ thuật đều cho thấy tâm lý lạc quan quá mức trên thị trường và điều này thường báo hiệu giai đoạn điều chỉnh sắp diễn ra".
Cổ phiếu Softbank trên sàn chứng khoán Tokyo cũng sụt tới 7% trong phiên ngày 7/9 khi công ty này mua quyền chọn, đặt cược hàng tỷ USD vào khả năng cổ phiếu công nghệ tiếp tục tăng cao.
Nhóm cổ phiếu bán dẫn cũng chịu sức ép sụt mạnh trong phiên giao dịch này trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Cổ phiếu Nvidia và Micron lần lượt giảm 5,6% và 3,2%. Cổ phiếu Applied Materials lùi 8,7%. Cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm 4%.
Ngày 7/9 vừa qua,Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố về khả năng tách nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc và cho hay nước này sẽ không phải chịu thiệt nếu đôi bên không còn kinh doanh.
Ông Trump cũng nhấn mạnh trong tương lai Mỹ sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc cho phép virus SARS-CoV-2 lây lan khắp thế giới đồng thời siết chặt các hợp đồng của liên bang với các công ty Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ có hành vi "bắt nạt" khi công bố một sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu ngày 8/9.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần lao dốc đầu tiên sau 5 tuần tăng liên tiếp sau sự đảo chiều của các cổ phiếu công nghệ lớn. Những mã đứng đầu nhóm này như Amazon, Apple, Microsoft và Facebook bị bán tháo khiến chỉ số Nasdaq Composite trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ 20/3. Dow Jones và S&P 500 cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6.
Nhiều nhà đầu tư trên thị trường Phố Wall tin rằng sự suy yếu của nhóm này bắt nguồn từ những lo ngại cổ phiếu công nghệ đã bị đẩy giá lên quá cao và không bền vững. Ngay cả với đợt điều chỉnh tuần trước, Nasdaq vẫn tăng hơn 70% so với mức đáy tháng 3.
Matt Maley - chiến lược gia thị trường trưởng tại Miller Tabak, cho biết: “Do làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ tiếp tục lan rộng, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh ở mức hơn 10%”. Theo chuyên gia Maley, các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan quá mức với một số tên tuổi công nghệ lớn, và các cổ phiếu thuộc S&P 500 đang được định giá quá cao./.