Căng thẳng chính trị đã kéo tụt nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nỗ lực giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng, theo một báo cáo gần đây.
Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, đầu tư trực tiếp tổng thể giữa hai nước đã giảm 75% từ 62 tỷ USD xuống còn 16 tỷ USD, riêng lĩnh vực công nghệ giảm 96% trong giai đoạn này, theo báo cáo công nghệ hàng năm mới nhất của hãng tư vấn quản trị Bain & Company được công bố hôm nay (20/9).
Từ năm 2016 đến 2020, đầu tư trực tiếp giữa hai nước đã giảm 75% từ 62 tỷ USD xuống còn 16 tỷ USD, riêng lĩnh vực công nghệ giảm 96% trong giai đoạn này. Ảnh: Nikkei. |
Theo chuyên gia Anne Hoeker của Bain & Company – chịu trách nhiệm về nghiên cứu báo cáo, chia sẻ với Nikkei Asia rằng, các khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với các khoản đầu tư theo chiều ngược lại, do Washington chủ trương siết chặt các công ty Trung Quốc.
Theo Hoeker, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn: “Môi trường kinh doanh của các công ty Trung Quốc ở Mỹ có lẽ đã kém an toàn hơn một chút so với trước đây, thay vào đó, họ [Trung Quốc] tập trung vào các khoản đầu tư ở châu Âu và châu Phi”.
Tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ giảm xuống còn 7,2 tỷ USD vào năm 2020 từ 48,5 tỷ USD năm 2016. Ngược lại, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm 35% xuống 8,69 tỷ USD so với cùng kỳ. Dữ liệu từ Trung tâm Đầu tư Mỹ-Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất ở các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe.
Theo chuyên gia Hoeker, một số nền kinh tế lớn đang đổ tiền đầu tư lớn chưa từng thấy vào lĩnh vực công nghệ và xây dựng một chuỗi cung ứng độc lập. Vài năm trước đây, điều này vẫn chưa phải là vấn đề được quan tâm khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lúc bấy giờ đang tập trung tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã “tiếp sức” cho xu hướng này, khiến việc tách rời trong chuỗi cung ứng công nghệ trở thành một vấn đề đối với các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của Bain được đưa ra hơn một tuần sau cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kéo dài 90 phút vào ngày 9/9. Bất chấp các cuộc đàm phán, căng thẳng giữa hai nước ít có dấu hiệu cải thiện kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.
Hoạt động thương mại và cạnh tranh công nghệ vẫn là trọng điểm gây tranh cãi giữa hai cường quốc toàn cầu.
Theo một phân tích trước đó của Nikkei Asia, Mỹ đã đưa 168 công ty Trung Quốc, ngoại trừ Huawei và hàng chục công ty thành viên, vào danh sách đen, kể từ năm 2018 đến tháng 4 năm nay, hầu hết đều liên quan đến công nghệ.
Trong khi đó, việc Washington ngày càng siết chặt hoạt động của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies đã thúc đẩy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn nội địa hoàn chỉnh, từ thiết kế chip và vật liệu, thiết bị sản xuất đến sản xuất chip.
Trước tình trạng thiếu chip toàn cầu hiện nay ngày càng trầm trọng, các nền kinh tế lớn đang chịu sức ép phải xây dựng chuỗi cung ứng của riêng họ, cũng như dần đưa chuỗi sản xuất chất bán dẫn quan trọng vào quy trình khép kín, vì lý do kinh tế và cả an ninh quốc gia.
Thực tế cho thấy, các chuỗi cung ứng khu vực mới đã bắt đầu xuất hiện thêm tại những quốc gia khác ngoài Trung Quốc chưa đầy 1.000 ngày sau khi Washington áp đặt làn sóng thuế quan trừng phạt đầu tiên đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2018, thời điểm các công ty bắt đầu coi việc phân tách là một xu hướng không thể đảo ngược. Những "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ như Apple, Google, Amazon và Microsoft đều đã yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng năng lực bên ngoài Trung Quốc do lo ngại yếu tố địa chính trị bất ổn.