Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/1 xác nhận, 2 đơn vị của tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 Triumph của nước này đã hoàn thành cuộc hành quân tới vùng Khabarovsk Krai ở vùng Viễn Đông nước này, và sẽ được vận chuyển bằng đường sắt đến Belarus để tham gia tập trận chung với quốc gia láng giềng. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới và là một phần của đợt “kiểm tra khả năng phối hợp hành động quân sự giữa Nga và Belarus”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Harry S.Truman tham gia cuộc tập trận chung của NATO, có tên gọi Neptune Strike, tại Địa Trung Hải vào tuần tới. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, cuộc tập trận dự kiến kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ ngày 24/1 với mục đích “chứng minh khả năng của NATO trong việc phối hợp các khả năng tấn công hàng hải của nhóm tác chiến tàu sân bay trong các hoạt động ngăn chặn và phòng thủ của liên minh”.
Tuy nhiên, hãng tin RT của Nga cho biết cuộc tập trận Neptune Strike không xuất hiện trong danh sách các cuộc tập trận sắp tới đã thông báo của NATO tính đến chiều 21/1, từ đó cho rằng đây là một cuộc tập bất ngờ của NATO giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực. Mỹ và các đồng minh trước đó cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh lính tới sát biên giới với Ukraine, và liên tục đe dọa trừng phạt Moscow về ý định tấn công quốc gia láng giềng này.
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của phương Tây và khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới chỉ nhằm mục đích tăng cường phòng thủ an ninh quốc gia. Phía Nga đã ngày càng bất bình trước sự mở rộng không ngừng của NATO, khi kêu gọi và cũng đưa ra đề xuất về văn bản yêu cầu những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng khối quân sự của phương Tây sẽ ngừng mở rộng sang phía Đông - bao gồm Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ - hoặc triển khai vũ khí tại khu vực này.
“Điều Nga mong đợi là câu trả lời cụ thể cho các đề xuất cụ thể của chúng tôi trong thời gian sắp tới và tuân thủ các nghĩa vụ đã được thông qua ở cấp cao nhất tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu. Tôi đặc biệt đề cập đến nguyên tắc không thể nhượng bộ về an ninh cũng như nghĩa vụ của các quốc gia không tăng cường an ninh với cái giá phải trả là an ninh của những nước khác” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong một tuyên bố hồi tuần qua. Theo hãng thông tấn TASS, ông Lavrov đã cảnh báo việc Washington bỏ qua những lo ngại pháp lý của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ngay trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Geneva hôm 21/1.
Chưa đầy 24 giờ sau cuộc đối thoại mà Ngoại trưởng Blinken đã mô tả là “có cơ sở và cách thức để giải quyết mối quan tâm chung”, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết chuyến hàng đầu tiên của Washington thuộc nhóm “viện trợ gây chết người” cho Ukraine - bao gồm cả vũ khí, đạn dược... - đã hạ cánh xuống thủ đô nước này. Chuyến hàng “thể hiện cam kết của Mỹ trong việc giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình khi đối mặt với sự hung hăng ngày càng tăng của Nga” - Đại sứ quán Mỹ viết trên trang Twitter chính thức.
Chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Nga Fyodor Lukyanov nhận định, trong bối cảnh ngoại giao bế tắc như hiện nay, những hành động tăng cường quân sự dù tại Ukraine hay xa hơn đều khiến nguy cơ xung đột leo thang. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan khi các vòng đàm phán vẫn còn tiếp diễn, hy vọng các bên có thể tìm được cách thỏa hiệp nào đó để đạt được kết quả khả thi.
Dự kiến vào ngày 25/1, Nga, Ukraine, Pháp và Đức sẽ nối lại đàm phán theo định dạng Normandy tại thủ đô Paris của Pháp, nhằm thảo luận về tình hình miền Đông Ukraine. Tiến trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2019. Hãng tin RIA của Nga dẫn lời nguồn tin Chính phủ cho biết, Nga và Mỹ có thể tiếp tục tổ chức một cuộc đàm phán khác vào tháng tới để trao đổi về các đề xuất bảo đảm an ninh của Moscow.