Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng thương mại với Trung Quốc, ông Trump hướng về khu vực Thái Bình Dương

Hương Thảo (New York Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng đang nỗ lực tìm kiếm những thỏa thuận trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp ước mà chính quyền ông Trump từng quyết rời bỏ.

Sau những thỏa thuận thương mại mới với Hàn Quốc, Canada và Mexico, Tổng thống Donald Trump, người rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đang bắt tay vào một kế hoạch mới. Đó là tái hợp tác với các đối tác trong TPP thông qua một loạt các thỏa thuận thương mại song phương với một số quốc gia, cũng như Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
Philippines, quốc gia đã bị gạt khỏi TPP của chính quyền Barack Obama, là một trong những nước mà Tổng thống Trump đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại song phương. Ảnh: NYT 

Nhà Trắng đã chính thức thông báo với Quốc hội về việc bắt đầu đàm phán thương mại với Nhật Bản, EU và Anh (hậu Brexit) trong tuần này, đồng thời cũng thể hiện những quan điểm của mình về các hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn như Philippines, trong nỗ lực nhằm hạn chế Trung Quốc.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về kinh tế và các vấn đề khác ngày một gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, trước một cuộc họp mang nhiều kỳ vọng vào tháng 11 tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang chạy đua với kế hoạch riêng nhằm thúc đẩy thương mại tự do ở châu Á thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này sẽ làm giảm mạnh thuế quan thương mại trong khu vực và buộc thị trường châu Á liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn đang hình thành vớ quy mô khá hẹp, không giống như TPP (nay được sửa đổi thành CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi) hoặc các hiệp định thương mại tự do song phương được hình thành bởi chính quyền Trump, khi nó không áp đặt các tiêu chuẩn lao động cơ bản hoặc những hạn chế với các doanh nghiệp nhà nước.
Một bến cảng ở Trung Quốc - cửa ngõ giao dịch thương mại của riêng Bắc Kinh với các nước láng giềng châu Á. Ảnh: Reuters
Chính quyền Trump cũng xem xét về nhân công, sản xuất và các nhượng bộ khác mà họ giành được trong Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), làm mẫu cho các giao dịch thương mại trong tương lai mà đặc biệt là với châu Á.
Một trong số các điều khoản quan trọng nhất mà Nhà Trắng muốn nhân rộng trong các giao dịch sắp tới là áp đặt các giới hạn về khả năng của các đối tác thương mại trong việc giao dịch riêng biệt với Trung Quốc. USMCA đã hạn chế tối đa khả năng của Canada và Mexico trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại tự do với "một nền kinh tế phi thị trường" - một điều khoản được cho là nhắm tới Bắc Kinh. Vì vậy việc những điều khoản tương tự được đề ra trong các thỏa thuận giữa Mỹ với các nước láng giềng Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đặc biệt đối với những nỗ lực thắt chặt quan hệ thương mại hơn với các quốc gia châu Á khác của Bắc Kinh.
Trong trường hợp của USMCA, hiệp định này còn loại trừ các doanh nghiệp nhà nước, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn, trong việc hưởng lợi từ giảm thuế quan. Đồng thời, USMCA cũng bao gồm một lệnh cấm thao túng tiền tệ mà chính quyền Mỹ cũng đang muốn thúc đẩy trong các giao dịch thương mại khác, khi ông Trump đã nhiều lần cáo buộc một số đối tác thương mại, bao gồm cả EU và Trung Quốc, đang giả làm suy yếu đồng Euro và Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc.