Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Trung Quốc - Australia: Những nạn nhân bất đắc dĩ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tranh cãi giữa Trung Quốc và Australia đang ngày càng tồi tệ hơn: Chấm dứt hiện diện truyền thông, nhiều người bị bắt giữ, loạt mặt hàng nhập khẩu chính bị cấm. Bắt nguồn từ căng thẳng chính trị, mối quan hệ kinh tế và ngoại giao nhân dân kết giữ 2 quốc gia dần trở nên xói mòn.

Bờ vực của cuộc chiến thương mại
Khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19 hồi tháng 4 năm nay, Bắc Kinh gần như ngay lập tức triển khai các biện pháp hạn chế thương mại đối với thịt bò và lúa mạch nhập khẩu của Australia. Bởi vậy, khi Chính phủ Australia thể hiện lập trường phản đối việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng ở Hong Kong vào cuối tháng 6 vừa qua, truyền thông Xứ chuột túi đồ rằng Canberra hẳn đã chuẩn bị để tiếp nhận một hình phạt thương mại mới từ Bắc Kinh.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa nhà Quốc hội Australia năm 2014.
Ngày cuối cùng của tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này bắt đầu mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu của Australia. Trong khi một nhà chế biến thịt của Australia có chứng nhận cung cấp cho thị trường Trung Quốc bất ngờ bị đình chỉ, và xuất khẩu lúa mạch từ một công ty ngũ cốc lớn có trụ sở tại Perth cũng bị cấm vì lý do an toàn thực phẩm. Bắc Kinh thậm chí đã cảnh báo công dân của mình tránh đi nghỉ hoặc học tập ở Australia, đe dọa trực tiếp đến thị trường du lịch và giáo dục chủ chốt của quốc gia châu Đại Dương.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khẳng định nước này “chắc chắn không tham gia vào bất kỳ loại chiến tranh thương mại nào” với Trung Quốc, khiến tình hình hiện nay tựa như đòn đánh thương mại một chiều. Tuy nhiên, Giáo sư Weihuan Zhou tại ĐH New South Wales lưu ý: “Bản thân Australia là một trong những nước sử dụng các biện pháp chống bán phá giá thường xuyên nhất, đặc biệt là đối với Trung Quốc”.
Nhắc lại hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg đã chặn việc bán một nhà sản xuất sữa và đồ uống từ một chủ sở hữu Nhật Bản cho một người Trung Quốc, mặc dù thỏa thuận đã được sự chấp thuận của Ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài và Ủy ban Cạnh tranh & Tiêu dùng Australia. Từ đó, Giáo sư Jane Golley tại ĐH Quốc gia Australia nhận định, Trung Quốc và Australia đang “bên bờ vực của một cuộc chiến thương mại và đầu tư”.
Trở lại năm 2017, khi mối quan hệ chính trị giữa 2 quốc gia có dấu hiệu xấu đi sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Australia lúc bấy giờ tại Đối thoại Mỹ - Australia về Hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương, quan hệ kinh tế vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thương mại 2 chiều tăng Trung Quốc - Australia tăng từ 183,5 tỷ USD năm 2017 lên 251,4 tỷ USD năm 2019, trong đó Canberra luôn được xem là bên phụ thuộc hơn để phát triển.
Tuy nhiên, ngừng giao thương cũng khiến Trung Quốc không tránh khỏi thiệt hại. Bắc Kinh có thể loại bỏ tất cả nhà chế biến thịt của Australia, nhưng điều đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng Trung Quốc vốn luôn trong tình trạng “khát” thịt. Những tháng gần đây ghi nhận, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò chất lượng cao lớn thứ 4 của Australia.
Hơn hết, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, với mục tiêu thúc đẩy kinh doanh mở cửa, chắc chắn sẽ không mạo hiểm với uy tín và tác động kinh tế, có thể khiến làn sóng các DN rời khỏi Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch và thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Đồng thời, việc giữ chân các CEO người Australia cũng như toàn cầu có thể tạo tác động không nhỏ đến chính phủ của họ, buộc linh động và “mềm hóa” các chính sách đối với Trung Quốc.
Thực tế, việc Canberra liên tục đi ngược lại lợi ích của Bắc Kinh gần đây - bao gồm quyết định cấm công nghệ 5G của Tập đoàn Huawei và kêu gọi điều tra quốc tế về đại dịch - là một chiến thắng chính trị trong nước đối với chính quyền Thủ tướng Scott Morrison. Về mặt đối ngoại, Australia được cho đã dành được sự ghi nhận “trong thời điểm chiến lược” từ Washington. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 ra tuyên bố: “Hoa Kỳ khen ngợi chính phủ Morrison đã dám đứng lên vì các giá trị dân chủ và pháp quyền, bất chấp áp lực căng thẳng, ép buộc phải cúi đầu như những gì Bắc Kinh mong muốn”.
Đổi lại những toan tính chính trị và trả đũa kể trên của các chính phủ, giới báo chí, học giả và doanh nhân trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ, phá hủy từ sâu trong lòng mối quan hệ ngoại giao nhân dân của 2 quốc gia.
Cơn sóng ngầm “sợ liên quan”
Hôm 8/9, 2 phóng viên của các hãng thông tấn Australia ABC và AFR đã vội vã lên máy bay rời khỏi Trung Quốc, sau khi Canberra phải cử một đoàn đàm phán ngoại giao tới Bắc Kinh nhằm hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh tạm thời trước đó đối với 2 người này. Sự kiện đã đánh dấu lần đầu tiên sau gần 50 năm bình thường hóa quan hệ, truyền thông Australia không có bất cứ sự hiện diện được chính thức công nhận nào ở Trung Quốc.
Đáng nói, vụ việc theo đúng mô típ của loạt vụ bắt giữ diễn ra đối với công dân hai nước sống trên lãnh thổ của nhau, kể từ sự kiện một nhà học thuật và blogger có tiếng người Australia gốc Hoa, đã bị bắt giữ vào tháng 1/2019 do bị Bắc Kinh cáo buộc có hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Chính phủ Canberra sau đó đã cảnh báo rủi ro với công dân Australia về việc có thể bị “giam giữ tùy tiện” ở Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 9/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết vào cuối tháng 6, nhà chức trách Australia đã thẩm vấn, đồng thời tịch thu “vô lý” nhiều thiết bị của 4 phóng viên quốc tế từ các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa xã, CMG và CNS. Trước đó, ABC đưa tin rằng 2 viện sĩ hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu của Australia đang bị cuốn vào cuộc điều tra về âm mưu được cho là của Trung Quốc xâm nhập vào Quốc hội New South Wales, dẫn đến việc họ bị thu hồi thị thực.
Trước những diễn biến kịch tính trong tuần này, đã có những dấu hiệu cho thấy một số nhà báo và học giả Trung Quốc đang trở nên cảnh giác với việc giao thiệp với người nước ngoài do những lời lẽ nhằm vào Trung Quốc, cũng như các hành động chính sách của Australia. Trong khi Andrew Parker - lãnh đạo khu vực châu Á của PwC, cho biết một số người trong cộng đồng DN ở Australia và Trung Quốc đều đang bắt đầu đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thực sự an toàn ở đây không?”.
SCMP mới đây dẫn câu chuyện từ chức đột ngột của bà Helen Sawczak - người điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Australia (ACBC) hơn 4 năm qua, như một dấu hiệu cho thấy cơn sóng ngầm sợ bị gắn mác “thân Trung” trong cộng đồng doanh nhân Australia.
Được xem là người hoàn hảo để đóng vai trò cầu nối với một trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương của Australia, bà Helen không phủ nhận việc bản thân phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời điểm quan hệ Trung - Australia xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Helen Sawczak, bà không chỉ phải trấn an các thành viên trong hiệp hội về những tác động tiêu cực của xung đột thương mại, mà còn trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công liên tục của những người có quan điểm bài Trung Quốc ngay tại Quốc hội Australia.
Michael Clifton - Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn China Matters, đề cập đến thực trạng “môi trường kinh doanh độc hại” tại Australia, trong đó các nhà lãnh đạo DN không muốn chịu rủi ro khi các nhà phê bình luôn gán ghép những lời kêu gọi làm ăn với Trung Quốc thành những hành động “bán nước”.
“Lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Đừng quên hàng nghìn DN vừa và nhỏ Australia có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào Trung Quốc, chính là những nông dân, nhà sản xuất rượu vang, ngư dân đánh bắt tôm hùm, nông dân chăn nuôi bò sữa, nhân viên du lịch, và nhiều người khác nữa”, ông Clifton nhắn nhủ.

"Lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Đừng quên hàng nghìn DN vừa và nhỏ Australia có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào Trung Quốc, chính là những nông dân, nhà sản xuất rượu vang, ngư dân đánh bắt tôm hùm, nông dân chăn nuôi bò sữa, nhân viên du lịch, và nhiều người khác nữa." - Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn China Matters -

ông Michael Clifton.