Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo khủng hoảng năng lượng châu Á nếu xung đột Trung Đông leo thang

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran làm dấy lên những lo ngại về khả năng gián đoạn dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz – tuyến đường năng lượng quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á, dẫn đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Theo Aditya Saraswat, giám đốc nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Rystad Energy, 14 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz mỗi ngày, và Trung Quốc, Ấn Độ là những nước tiêu thụ lớn nhất. Một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Iran và Israel sẽ làm tắc nghẽn nguồn cung, khiến các nền kinh tế châu Á phải đối mặt với rủi ro chi phí tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo các nguồn tin từ Mỹ, Israel có kế hoạch trả đũa Iran do các cuộc tấn công bằng tên lửa của quốc gia này, dẫn đến nguy cơ leo thang xung đột. Tehran đã liên tục tấn công Tel Aviv sau khi các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah bị ám sát.

Căng thẳng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường dầu mỏ. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã tăng từ 71 USD một thùng vào cuối tháng 9 lên 80 USD/thùng vào ngày 7/10. Tuy nhiên, thị trường dầu có phần ổn định, với giá dao động khoảng 73,40 USD/thùng vào giữa tháng 10.

Châu Á đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông. Ảnh: SCMP
Châu Á đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông. Ảnh: SCMP

Eo biển Hormuz, nối liền các nhà sản xuất dầu khí Trung Đông với thị trường thế giới, là một điểm nóng địa chính trị. Theo Rystad Energy, nếu một cuộc chiến toàn diện nổ ra, thế giới sẽ mất đi tới 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là châu Á.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều nhất vào việc nhập khẩu dầu, với Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu về lượng tiêu thụ. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và Thái Lan cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng  nếu nguồn cung dầu bị gián đoạn. Trong trường hợp các dòng chảy từ Iran bị ảnh hưởng, những quốc gia này sẽ phải thay đổi nguồn cung và nhập khẩu dầu từ những khu vực khác, gây tốn kém và mất thời gian.

Sản lượng dầu từ Iran đã tăng lên 3,27 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2023, bất chấp những căng thẳng tại Trung Đông. Israel cũng đã gia tăng sản lượng khí đốt, đạt mức tăng trưởng 15% vào năm 2023 và dự kiến tăng 5% nữa trong năm nay. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, các cơ sở sản xuất dầu và khí đốt thượng nguồn, đường ống dẫn và kho lưu trữ có thể trở thành mục tiêu tấn công, gây ra sự bất ổn lớn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á.

Sự phụ thuộc của châu Á vào dầu nhập khẩu từ Trung Đông đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gián đoạn nào đều có thể gây ra những cú sốc nghiêm trọng về nguồn cung và giá cả. Theo báo cáo của Rystad Energy, hoạt động thương mại qua Biển Đỏ, một tuyến đường thương mại quan trọng kết nối Đông -Tây, đã giảm hơn 70% kể từ tháng 10 năm ngoái, khi căng thẳng gia tăng, khiến giá cước vận tải biển tăng vọt.

Mặc dù căng thẳng đang leo thang, nguồn cung dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp. Các quốc gia nhập khẩu dầu ở châu Á đang nỗ lực chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, bao gồm cả sự gián đoạn nguồn cung và tăng giá năng lượng. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu chiến tranh nổ ra và các cơ sở dầu mỏ lớn bị tấn công, giá dầu có thể tăng đột biến như đã xảy ra trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Trong trường hợp đó, giá dầu có thể tăng gấp đôi, gây ra tình trạng lạm phát toàn cầu và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở châu Á.

Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược nhập khẩu dầu, chẳng hạn như tăng nhập khẩu dầu Nga. Bất chấp việc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga do xung đột Ukraine, hai quốc gia này vẫn tăng cường nhập khẩu dầu từ Moscow. Điều này giúp giảm bớt nguy cơ từ gián đoạn nguồn cung dầu qua Eo biển Hormuz, nhưng không hoàn toàn loại bỏ những rủi ro nếu tình hình Trung Đông tiếp tục leo thang.

Mặc dù hiện tại tác động của cuộc xung đột vẫn còn trong tầm kiểm soát, các chuyên gia khuyến cáo các nền kinh tế châu Á cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bao gồm việc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và dự trữ năng lượng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc.