Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cảnh báo rủi ro chiến tranh hạt nhân từ sự phát triển của AI

Kinhtedothi - Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những rủi ro chưa từng có, đặc biệt khi công nghệ này được tích hợp vào lĩnh vực quân sự, trong đó có hệ thống vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên hiện đang đứng trước bài toán nan giải: vừa khai thác lợi ích của AI, vừa phải kiểm soát nguy cơ mất kiểm soát dẫn tới chiến tranh hạt nhân.

Giáo sư John Tasioulas, Giám đốc Viện Đạo đức trong AI tại Đại học Oxford, cảnh báo việc để AI tham gia vào các quyết định quân sự, nhất là liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, là điều vô cùng nguy hiểm.

Ông nhấn mạnh: “Sự kiểm soát của con người là yếu tố bắt buộc trong mọi quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân. Không thể để các thuật toán quyết định số phận nhân loại.”

Nguy cơ không chỉ nằm ở khả năng AI hành động sai lệch, mà còn ở việc các hệ thống cảnh báo sớm và phản ứng tự động có thể khiến xung đột nhỏ leo thang nhanh chóng. Ông Tasioulas cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, một lỗi thuật toán cũng có thể là chất xúc tác dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên hiện đang đứng trước bài toán nan giải: vừa khai thác lợi ích của AI, vừa phải kiểm soát nguy cơ mất kiểm soát dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Ảnh: SCMP

Theo thống kê của Viện Brookings (Mỹ), giá trị các hợp đồng quốc phòng liên quan đến AI do Lầu Năm Góc ký kết đã tăng gần gấp ba chỉ trong vòng một năm, từ 261 triệu USD vào năm 2022 lên đến 675 triệu USD vào năm 2023.

Không chỉ riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác như Trung Quốc và Israel cũng đang đẩy mạnh việc tích hợp AI vào lĩnh vực quân sự. Đáng chú ý, Israel – quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân – đã triển khai AI trong các chiến dịch tại Gaza, làm dấy lên nhiều tranh cãi về độ chính xác của công nghệ này và những tác động nhân đạo đi kèm.

Vladislav Chernavskikh, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho biết AI hiện có thể tham gia vào toàn bộ chuỗi hoạt động của một hệ thống hạt nhân: từ cảnh báo sớm, phân tích tình báo, chỉ huy, điều phối đến phân phối. Điều này không chỉ làm gia tăng tốc độ phản ứng mà còn hạn chế khả năng kiểm soát và đối thoại giữa các bên.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn từ việc AI can dự vào lĩnh vực quân sự, một số quốc gia đã bắt đầu có động thái ứng phó. Trung Quốc, trong văn bản lập trường công bố năm 2021, kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng cách tiếp cận “thận trọng và có trách nhiệm” khi tích hợp AI vào các hoạt động quân sự. Bắc Kinh nhấn mạnh việc chạy đua công nghệ nhằm đạt “ưu thế quân sự tuyệt đối” có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu.

Trung Quốc cũng tái khẳng định chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” –thông điệp nhằm thể hiện lập trường phòng thủ và hạn chế nguy cơ leo thang hạt nhân.

Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo: chìa khóa vạn năng cho cuộc sống

Tại Mỹ, cựu Tổng thống Joe Biden đã ban hành các nguyên tắc chỉ đạo đối với việc ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải “cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích” trước khi triển khai. Ngoài ra, Washington cũng khuyến khích việc sử dụng AI cho các mục đích nhân đạo trong vùng chiến sự, chẳng hạn như hỗ trợ cứu trợ y tế, bảo vệ dân thường và tăng cường hiệu quả ứng phó khẩn cấp.

Một tín hiệu tích cực đến từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình vào tháng 11/2023 tại California. Hai bên đã đồng thuận về nguyên tắc duy trì kiểm soát của con người trong mọi quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân – bước đi nhỏ nhưng quan trọng trong việc xây dựng lòng tin chiến lược.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Tiến sĩ Nicola Leveringhaus, giảng viên cao cấp tại King’s College London, kêu gọi các quốc gia thiết lập quy tắc ứng xử quốc tế cho AI quân sự, đặc biệt là những công nghệ có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần học từ lịch sử những vụ suýt dẫn đến chiến tranh để xây dựng cơ chế ngăn ngừa tương lai thảm khốc. AI không thể trở thành người quyết định sự sống còn của loài người.”

Trí tuệ nhân tạo: chìa khóa vạn năng cho cuộc sống

Trí tuệ nhân tạo: chìa khóa vạn năng cho cuộc sống

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ