70 năm giải phóng Thủ đô

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện nhiều ứng dụng kêu gọi đầu tư chứng khoán giả mạo và không rõ nguồn gốc khiến cho nhiều nhà đầu tư dễ bị nhầm lẫn.

Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán nhẹ dạ cả tin để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã khuyến cáo nhà đầu tư về việc một số đối tượng giả mạo thông tin của các công ty quản lý quỹ.

Theo đó, một số đối tượng đã sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Công ty CP Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital…) để lập các website, tài khoản facebook, telegram… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nhận lời mời tham gia đầu tư từ các mạng xã hội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nhận lời mời tham gia đầu tư từ các mạng xã hội. Ảnh: Phạm Hùng

Các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán.
UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat nêu trên.

Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán, tài chính DN và tuân thủ đúng pháp luật, việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của DN.

Nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được UBCKNN cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Trước đó, trên truyền thông, đại diện của Quỹ đầu tư VinaCapital tại Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh về việc có các đối tượng mạo danh VinaCapital mời mọi người tham gia đầu tư qua các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Telegram, TikTok… với mức lãi suất hằng ngày rất cao.

Các đối tượng này yêu cầu các nhà đầu tư chuyển tiền vào một tài khoản của cá nhân để đặt lệnh dẫn đến các khách hàng bị lừa mất tiền. Đối tượng lừa đảo còn lập ra nhiều website mạo danh VinaCapital và sao chép hình ảnh và nội dung từ website của VinaCapital, đăng tải lại các video do VinaCapital thực hiện nhằm mục đích quảng cáo các hình thức đầu tư bất hợp pháp. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo dùng các tài khoản cá nhân để giao dịch với người bị hại.
VinaCapital khẳng định, số tiền đầu tư vào các quỹ mở không bao giờ được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân, mà chỉ chuyển vào tài khoản của quỹ mở tại ngân hàng giám sát.

Thêm vào đó, tài khoản quỹ tại ngân hàng giám sát được kiểm soát bởi UBCKNN để đảm bảo tiền của các quỹ được sử dụng đúng vào mục đích đầu tư như đã nêu trong Bản cáo bạch và Điều lệ. Các số tài khoản của các quỹ đã được công bố trên trang web của VinaCapital.

Trước đó, Công an TP Hà Nội cho biết đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán để giao dịch, đồng thời phát hiện nhiều cá nhân nhận được đường dẫn website, app giao dịch sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội để giao dịch mua bán chứng khoán với mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư, sau đó chiếm đoạt tiền…

Tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo

Theo các chuyên gia pháp luật, thời gian gần đây có không ít đối tượng lập website giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh và địa chỉ của DN khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhầm lẫn.

Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của một bộ phận người dân, nhẹ dạ cả tin và có mong muốn làm giàu nhanh chóng rồi thực hiện các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt mà có các khung hình phạt khác nhau.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với người bị hại khi phát hiện mình bị lừa đảo thì cần trình báo ngay đến cơ quan công an, nội dung trình báo cần trình bày diễn biến sự việc súc tích, đầy đủ. Ngoài ra cần chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu kèm theo, những cuộc hội thoại và những chứng cứ điện tử hiện nay như: Cuộc gọi điện thoại, các tin nhắn, các cuộc hội thoại trao đổi trên các không gian mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối khuyến cáo, để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, trang bị những kiến thức cần thiết.

Cách kiểm tra website lừa đảo chính xác và nhanh nhất là tra cứu thông tin DN để kiểm tra website, tên miền, thông tin đăng ký của website. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng cần thường xuyên công khai cung cấp các thông tin website, ứng dụng giả mạo, để các nhà đầu tư có thể nhận diện, chọn lọc và xử lý theo quy định pháp luật nhằm hạn chế thực trạng trên.