Cao tốc thông xe, du lịch Nam Trung bộ hưởng lợi

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, việc một số đoạn cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến TP Nha Trang vừa được thông xe sẽ là cú hích cho du lịch vùng Nam Trung bộ.

Dự kiến du khách tăng khoảng 40%

Ngay khi Bộ Giao thông vận tải chính thức thông xe hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm ngày 19/5, nhiều doanh nghiệp du lịch và người dân tỏ ra phấn khích. Bởi hành trình từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh khu vực ven biển Nam Trung bộ đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đáng kể.

Gần 300 km cao tốc được đưa vào vận hành kết nối TP Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.
Gần 300 km cao tốc được đưa vào vận hành kết nối TP Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.

Ông Nguyễn Ngọc Nam (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dịp hè anh thường cho các con đi Vũng Tàu du lịch vì khoảng cách khá gần với nơi ở. “Năm nay, thời gian đi Phan Thiết đã rút ngắn rất nhiều. Vì vậy gia đình tôi đã đặt phòng một resort ở Mũi Né – Bình Thuận để trải nghiệm cao tốc và vùng biển khu vực này” – ông Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, sau khi thông xe tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết việc di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết (khoảng 200 km) đã rút ngắn gần 120 phút (từ khoảng 4 giờ 30 phút còn khoảng 2 giờ 30 phút). Qua đó, lượng du khách từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Thuận đã tăng đáng kể so với trước đây.

“Nhờ rút ngắn khoảng cách di chuyển, dịp lễ 30/4 – 1/5 du lịch Bình Thuận đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.

Trong mùa du lịch hè 2023, chúng tôi dự kiến lượng khách đến Bình Thuận sẽ tăng mạnh. Theo đó, lượng du khách đến Bình Thuận trong năm 2023 có thể tăng 40 - 50% so với kế hoạch đề ra là 6,7 triệu lượt khách” – ông Nguyễn Văn Khoa nhận định.

Các địa phương ven biển Nam Trung bộ hưởng lợi khi các cao tốc đi vào vận hành. Ảnh: Trung Nhân.
Các địa phương ven biển Nam Trung bộ hưởng lợi khi các cao tốc đi vào vận hành. Ảnh: Trung Nhân.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, sự thay đổi về thói quen sau đại dịch Covid-19 – du lịch nhóm nhỏ bằng phương tiên cá nhân, cùng với sự thuận lợi về giao thông sẽ tác động lớn đến du lịch. Do đó, Bình Thuận cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nguồn khách lớn trong dịp hè và thời gian sắp tới.

“Năm 2022, Bình Thuận có hơn 900 cơ sở lưu trú với gần 20.000 phòng, trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3 đến 5 sao với hơn 7.000 phòng. Tuy nhiên, đến nay Bình Thuận có gần 30.000 phòng với khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao.

Bên cạnh đó, các cở sơ lưu trú, khu du lịch, resort… hiện đã chuẩn bị nhân sự, nâng cấp cơ sở vật chất để chuẩn bị đón khách dịp hè 2023. Chúng tôi tin rằng ngành du lịch Bình Thuận đã sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân sự để chuẩn bị đón nguồn khách lớn ngay trong dịp hè này” – ông Nguyễn Văn Khoa nhận định.

Du lịch kỳ vọng bứt phá

Tính đến nay đã có khoảng 240 km cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thay vì đi hơn 280 km theo quốc lộ 1A. Đặc biệt, các cao tốc đã giúp tài xế rút ngắn thời gian quãng đường trên từ 150 – 180 phút.

Ngoài ra, gần 50 km cao tốc Nha Trang – Cam Lâm cũng đã được đưa vào vận hành giúp thời gian di chuyển của các phương tiện từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang – Khánh Hòa giảm đáng kể.

Du lịch Khánh Hòa kỳ vọng tăng trưởng mạnh dịp hè 2023. Ảnh: Trung Nhân.
Du lịch Khánh Hòa kỳ vọng tăng trưởng mạnh dịp hè 2023. Ảnh: Trung Nhân.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, xu hướng du khách di chuyển bằng xe cá nhân ngày càng tăng. Ngoài ra, việc đưa vào vận hành cao tốc sẽ giúp các điểm du lịch cách TP Hồ Chí Minh dưới 500 km hưởng lợi.

“Hiện nay, đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Nha Trang – Khánh Hòa chỉ còn đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (khoảng 70 km) chưa hoàn thành. Nếu đoạn cao tốc này đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang – Khánh Hòa chỉ còn khoảng 5 -6 giờ.

Khi ấy, du khách sẽ có nhiều chọn lựa hơn về phương tiện đi du lịch, thuận lợi hơn trong việc đi du lịch bằng xe cá nhân. Theo đó, ngành du lịch thêm cơ hội bứt phá vì các sản phẩm, cơ sở lưu trú… của địa phương khá hoàn chỉnh và Nha Trang – Khánh Hòa cũng là một điểm đến nổi tiếng” – bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, trước Festival Biển Nha Trang 2023 được tổ chức ngày 3/6, lượng khách từ các tỉnh phía Nam đặt khách sạn, resort tại Nha Trang – Khánh Hòa tăng đáng kể. Một số resort tại khu vực Bãi Dài cũng đã kín phòng trong giai đoạn tháng 6.

Các cao tốc đi vào vận hành tạo động lực phát triển liên vùng. Ảnh: Trung Nhân.
Các cao tốc đi vào vận hành tạo động lực phát triển liên vùng. Ảnh: Trung Nhân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Anh Tuấn Phát, đơn vị chuyên vận tải du lịch cho biết, khi cao tốc được đưa vào vận hành, các phương tiện phục vụ khách du lịch chắc chắn sẽ chọn cao tốc thay vì quốc lộ 1 như trước đây.

“Với các xe khách, họ sẽ dừng đón khách tại 1 số điểm có khu dân cư trên quốc lộ 1. Riêng xe phục vụ khách du lịch sẽ chọn cao tốc vì sự tiện lợi và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các điểm đến.

Ngoài ra, nếu đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào vận hành, du lịch Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận có nhiều cơ hội bứt phá khi có thể kết nối được 3 tỉnh để khách có thể tham quan nhiều điểm mới lạ, thu hút thêm nhiều khách tới đây” – ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần