Dự thảo Luật Kiến trúc quy định 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề bao gồm: Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.
Băn khoăn đơn vị cấpKhoản 1, Điều 27 có quy định về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc, thời hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc, có nêu: “UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc”. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiến trúc số 391/BC-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với nội dung này, rất nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội giao việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, để có thể huy động được nguồn lực xã hội, giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lại cho rằng, không nên giao quá nhiều nhiệm vụ cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của KTS vì thực tế cho thấy điều kiện năng lực của các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS không nên cân, đong, đo đếm như một bài toán mà phải hiểu là nó mang tính chính trị, tính định hướng nhiều hơn. Để từ đó KTS thấy trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với đất nước trong quá trình hành nghề. Vì bản chất của kiến trúc là văn hóa, kiến trúc là một môn nghệ thuật đặc biệt vì có kết hợp với khoa học.KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam |
Xoay quanh vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, chứng chỉ hành nghề cũng là một loại giấy phép, KTS là một hoạt động nghề nghiệp bình thường để kiếm sống. Việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS tại cơ quan cấp tỉnh sẽ dễ xảy ra tình trạng cấp, đổi theo cơ chế xin - cho. “Việc xây dựng Luật để có thể quản lý ngành nghề theo đặc thù là rất quan trọng nhưng theo dõi các thang bậc để đánh giá cấp, thu hồi dựa trên những tiêu chí như thế nào? Vì các thủ tục hành chính để cấp phép này sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực. Thực tế có nhiều KTS đã có mấy chục năm làm việc trong nghề, ai sẽ là người đánh giá và đánh giá như thế nào là rất quan trọng” - ông Ánh nói.
KTS Trần Huy Ánh cũng chỉ ra thực trạng, có những người có chứng chỉ hành nghề, nhưng công trình thiết kế khi đưa vào sử dụng lại chưa đảm bảo về tính kỹ thuật, thẩm mỹ. Như vậy, việc cấp chứng chỉ hành nghề lại gián tiếp công nhận sự tồn tại của những người chưa thực sự đủ năng lực. Trong khi trên thế giới các hoạt động nghề nghiệp của KTS là do các hiệp hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp quản lý. Chính những đồng nghiệp là người có khả năng đánh giá rõ nhất năng lực, kiến thức của một người KTS.
Cần có cơ quan quản lýKTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng hội KTS Việt Nam, người trực tiếp tham gia biên tập các nội dung trong Dự thảo Luật Kiến trúc mới cho biết, trước đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc do Bộ Xây dựng đảm nhiệm. Nhưng dự thảo lần này đề nghị UBND cấp tỉnh cấp là sự đổi mới cần thiết. Nhiều người lo ngại rằng cơ quan cấp tỉnh không đáp ứng được chuyên môn để đảm nhận việc này, nhưng thực tế sẽ có sự tham gia của nhiều thành phần, vừa đảm bảo sự chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước và đảm bảo tính chuyên môn của người xét duyệt.
Tại phiên thảo luận hôm 21/5, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, Dự thảo Luật chưa được định hướng rõ kiến trúc Việt Nam là như thế nào, nội dung yêu cầu ra sao, do ai xây dựng, lập nên. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để làm rõ nội dung định hướng kiến trúc Việt Nam để có thể khắc phục tình trạng hỗn loạn kiến trúc và nhà ống, nhà siêu mỏng, siêu méo đang phổ biến. |
“Việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc ở cấp tỉnh sẽ có 3 thành phần: Cơ quan Nhà nước; tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới kiến trúc tại địa bàn đó; đại diện là những chuyên gia giỏi về kiến trúc. Trong Luật quy định như vậy, nhưng khi thực thi, Chính phủ sẽ có những quy định chi tiết hơn và sẽ có Thông tư, Nghị định hướng dẫn. Như vậy, việc cấp chứng chỉ hành nghề tại UBND cấp tỉnh không có gì là phức tạp” - KTS Phạm Thanh Tùng nói. Đồng thời cho rằng, hiện nay các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng chưa thể tự đảm nhận được việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các KTS nên cần có giai đoạn quá độ trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ này từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Hoàng - Văn phòng KTS Trần Hoàng cho biết, Quốc hội cũng nên nghiên cứu nội dung giao việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và phải quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến vấn đề cấp, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề. “Trước mắt vẫn nên giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp chứng chỉ nghề nghiệp. Sau khi có những quy định rõ ràng về trách nhiệm, năng lực của tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì sẽ chuyển giao việc sát hạch, cấp, thu hồi chứng chỉ để cho KTS hành nghề” - ông Hoàng cho hay.