2 đối tượng được áp dụng
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy Bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay quy định rõ: Người học thuộc các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 12 Quy chế (gồm: Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước) đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu để được công nhận tốt nghiệp THPT thì được cấp giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Việc quản lý, sử dụng phôi, cấp, phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ, cấp bản sao từ sổ gốc Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thực hiện như đối với văn bằng, chứng chỉ quy định tại Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế quản lý Bằng tốt nghiệp THCS, Bằng tốt nghiệp THPT, Bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Sổ gốc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phải ghi đầy đủ, chính xác nội dung của Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đánh số trang, đóng dấu giáp lai, không được tẩy xóa, đảm bảo quản lý chặt chẽ và lưu trữ vĩnh viễn.
Để triển khai cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP; trong đó yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quy định.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi hết hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và trong thời gian 10 ngày sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục có nhu cầu mua phôi Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông gửi công văn đăng ký mua phôi về Sở GD&ĐT.
Chủ trương mang tính nhân văn
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, HS sẽ bớt đi nhiều áp lực bởi nếu dự thi không đỗ, hoặc vì lý do nào đó mà không thể tham dự kỳ thi thì được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Việc cấp giấy chứng nhận này còn tạo thuận lợi cho người học có thể đăng ký dự tuyển vào môi trường học phù hợp hoặc đi làm.
Thầy Đào Ngọc Sỹ- Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông cho biết: “Nhà trường triển khai các Thông tư: 18/2020; 15/2020 và 05/2021 của Bộ GD&ĐT cũng như các văn bản hướng dẫn của Sở GĐ&ĐT đến tất cả phụ huynh và HS nhà trường. Trong các văn bản trên, điểm mới về việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh, HS vì tất cả đều cho rằng việc triển khai cấp giấy chứng nhận này sẽ mở ra nhiều cơ hội để học sinh lựa chọn và không nhất thiết phải chờ đợt hoặc tham dự kỳ thi tốt nghiệp mà có thể đi làm, đi học nghề ngay sau khi kết thúc chương trình năm học lớp 12”.
Theo thầy Sỹ, những năm trước nhà trường không có HS nào học xong lại không thi tốt nghiệp nhưng năm nay, khi biết triển khai chủ trương, chính sách trên, hiện trường đã có 4 em chủ động đăng ký xin cấp giấy này mà không dự thi tốt nghiệp; trong đó có 2 em đi lao động xuất khẩu và 2 em đi học nghề. Với những HS không có mặt tại nhà thì sau khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các em có thể ủy quyền cho người thân đến trường để xin nhận giấy chứng nhận.
Em Nguyễn Văn Hoàng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: “Sức học của em đuối, trước đây em luôn nghĩ cố gắng thi lấy cái bằng tốt nghiệp rồi đi làm. Nhưng năm nay trường triển khai cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, em thấy rất tiện và đã tính toán lại, không thi tốt nghiệp nữa. Trước mắt em đã đi học nghề mộc ở xưởng của một người nhà, không cần phải dùng đến Giấy chứng nhận nhưng có nó em cũng yên tâm hơn bởi biết đâu sau này em chuyển đổi công việc và cần dùng tới”.
Chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh một học sinh vừa đi lao động xuất khẩu chia sẻ: “Con tôi học xong lớp 12 thì đi xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật luôn. Ngành nghề của cháu không thấy đòi hỏi bằng cấp 3 nhưng vì năm nay được cấp giấy này nên tôi sẽ lưu ý làm thủ tục để đến trường nhận cho cháu”.
Qua khảo sát tại một số trường và trung tâm trên địa bàn TP: Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ); trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Long Biên…, thủ trưởng các cơ sở giáo dục này đều cho biết các năm trước và cả năm nay, đơn vị không có trường hợp nào không đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đề nghị được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông.
Như vậy, tuy chỉ đáp ứng nguyện vọng của một số rất nhỏ đối tượng HS đã hoàn thành chương trình phổ thông nhưng chủ trương, chính sách này được cho là rất ý nghĩa và nhân văn trong việc đã quan sát, lắng nghe, ghi nhận thực tế nhằm gợi mở cơ hội và đảm bảo quyền lợi cho mọi HS.
Năm 2021, cả nước có hơn 1 triệu HS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT thì năm nay, Bộ phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7/2021; kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp - khi tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương được kiểm soát, tạo an toàn cho công tác tổ chức thi. |