Cấp tập ngoại giao năng lượng hạt nhân, Nga-Trung Quốc khiến Mỹ dè chừng?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ bắt đầu có động thái kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.

Nga và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân khi gần 70% số lò phản ứng trên thế giới đang được xây dựng hoặc trong kế hoạch xây dựng tại hai quốc gia. 

Trong khi đó, các kế hoạch xây dựng tương tự ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu phần lớn bị đình trệ sau thảm họa năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Trung Quốc lắp đặt lò phản ứng Hualong One tại nhà máy điện hạt nhân Karachi như một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng hạt nhân ở Pakistan. Ảnh: Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc. 
Trung Quốc lắp đặt lò phản ứng Hualong One tại nhà máy điện hạt nhân Karachi như một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng hạt nhân ở Pakistan. Ảnh: Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc. 

Tính đến tháng 1/2023, có 110 lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba được tăng cường các biện pháp an toàn sau sự cố hạt nhân Chernobyl, đang trong quá trình xây dựng hoặc kế hoạch, theo Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản.

Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 46, tiếp theo là Nga với 30, chiếm 69% số lượng trên toàn cầu.

Đáng chú ý, 33 trong số các lò phản ứng đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch bên ngoài mỗi quốc gia. Nga có số lượng lò phản ứng ở nước ngoài lớn nhất với 19 lò. 

Vào tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia một buổi lễ đánh dấu sự xuất hiện của nhiên liệu đầu tiên tại nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đang được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty điện hạt nhân nhà nước Nga Rosatm lên kế hoạch khởi động nhà máy trong năm nay. Dự án là biểu tượng của mối quan hệ sâu sắc giữa hai quốc gia, vốn là mối quan tâm của phương Tây.

Ngoại giao năng lượng hạt nhân của Nga cũng đang mở rộng sang các nước khác. Vào tháng 5, Rosatom đã bắt đầu xây dựng toàn diện Tổ máy số 3 của nhà máy hạt nhân Dabaa ở Ai Cập, tổ máy đầu tiên của nước này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gặp các quan chức của Rosatom trong tháng này để thảo luận về kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới của tập đoàn ở nước này. 

"Nhiều nước đang phát triển có cái nhìn tích cực về Nga", chuyên gia Kacper Szulecki thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy khẳng định với tạp chí khoa học Nature Energy của Anh. Việc Nga chấp nhận nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng hấp dẫn các nước mới nổi.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường ngoại giao năng lượng với Pakistan. Hồi tháng 5, Cơ quan quản lý hạt nhân Pakistan đã cấp phép hoạt động cho lò phản ứng tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Karachi. Lò phản ứng này mang tên Hualong One, do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc thiết kết 

Hualong One có công suất khoảng 1 gigawatt và dựa trên công nghệ lò phản ứng nước áp suất của Mỹ và Pháp. Sự tham gia của Trung Quốc vào Pakistan rất sâu rộng, bao gồm hỗ trợ tài chính và xây dựng lò phản ứng tổ máy số 2 ở Karachi.

Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy hạt nhân ở Argentina. Mỹ đã yêu cầu Argentina hủy bỏ dự án, nhưng Tổng thống Alberto Fernandez đã quyết định tiếp tục. 

Chuyên gia Yuji Kuroda thuộc Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản cho biết: “Trung Quốc đang giới thiệu Hualong One cho các nước mới nổi và xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng lên. Nếu Trung Quốc và Nga tăng cường ưu thế về năng lượng hạt nhân, chìa khóa của an ninh năng lượng, thì ảnh hưởng của họ trên trường chính trị quốc tế sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Mỹ đã bắt đầu có động thái kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này bằng cách thúc đẩy các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) - công nghệ hạt nhân thế hệ 4 ở các quốc gia như Thái Lan và Philippines.

Nhật Bản có kế hoạch xây dựng 8 lò phản ứng mới, trong đó có một lò tại nhà máy điện hạt nhân Oma hiện đang được xây dựng ở tỉnh Aomori. Việc sàng lọc các lò phản ứng bị đề xuất ngừng hoạt động do thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn sau thảm họa Fukushima, tuy nhiên chính phủ đã thay đổi hướng đi do thiếu điện, theo Nikkei. 

Khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong năng lượng hạt nhân dường như đã suy yếu. Xuất khẩu liên quan đến năng lượng hạt nhân của nước này đã giảm từ 131,4 tỷ yên (943 triệu USD) năm 2010 xuống còn 21,4 tỷ yên vào năm 2020.