Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài cuối: Cần khung chính sách hỗ trợ bảo tồn, cải tạo

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biệt thự và công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội là quỹ di sản đô thị vô giá mà không mấy đô thị có được. Việc cần có khung chính sách hỗ trợ bảo tồn, cải tạo loại công trình này đang là vấn đề cấp thiết. Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp cần làm ngay để các công trình này không bị mai một.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: 
Gần đây, TP đã ban hành danh mục công trình với phân loại và định hướng bảo tồn với tổng số 1.253 biệt thự. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả cần phải cụ thể hóa. Theo tôi, giải pháp trước tiên cần phải làm là lập hồ sơ đầy đủ, thể hiện bằng bản vẽ hiện trạng của từng biệt thự với ưu tiên tập trung vào biệt thự Loại 1. Vì qua nghiên cứu khoa học và kiểm tra sơ bộ, đây là loại công trình còn tương đối nguyên trạng. Việc này khó, TP phải đứng ra làm.
Tiếp đó, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện để giải phóng, di dời nếu mật độ ở trong biệt thự quá đông. Muốn giãn các hộ để đảm bảo mật độ dân hợp lý, TP phố cần xây dựng khung chính sách hỗ trợ, sau đó chính quyền từng quận vào cuộc, đứng ra làm trọng tài chủ trì các cuộc thương thảo giữa các hộ dân. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách về nguồn lực hỗ trợ các hộ dân trong bảo tồn hoặc cải tạo những căn biệt thự cổ để đảm bảo giữ được nguyên trạng.
Đặc biệt, cần nghiên cứu để có quy định bảo tồn nhưng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng. Trong các ngôi biệt thự không nhất thiết chỉ dành để ở mà tùy từng vị trí, công trình có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình. Cách làm này đã được TP Hội An hay nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Thực tế tại Hà Nội, bài học khai thác 4 ngôi nhà cổ tại khu phố cổ hay các căn gác xép biệt thự cổ quanh Hồ Gươm, cho tổ chức các trưng bày nhỏ hay quán cà phê có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách nước ngoài.

Chúng ta cần thống nhất, bảo tồn các công trình biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị là bảo tồn cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nếu như có điều chỉnh về chức năng sử dụng sẽ quảng bá rộng rãi giá trị và đặc biệt tạo được nguồn lực để chúng ta bảo tồn, phát triển của quỹ di sản này của Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: 
Hiện nay với hiện trạng về quản lý nhà đất tại địa bàn quận Hoàn Kiếm trong đó có quản lý về biệt thự Pháp trên địa bàn. Các biệt thự Pháp cũ được phân thành hai loại sở hữu là Nhà nước (các công thự, dinh thự, các trụ sở cơ quan, các tổ chức quốc tế, ngoại giao, nhà riêng các đại sứ quán) và các biệt thự do tư nhân quản lý.
Quận đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ biệt thự trên địa bàn, cùng đó rà soát lại cả phần quản lý nhà đất. Trong thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên bảo tồn các biệt thự có giá trị, quản lý tốt quỹ nhà do Nhà nước đang quản lý, kịp thời bảo tồn trùng tu theo đúng kỹ thuật của ngành bảo tồn.
Đồng thời có biện pháp để khai thác quỹ nhà này cho phát triển kinh tế, từ đó mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư để cho tiếp tục phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Bên cạnh đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân, các tổ chức về kỹ thuật liên quan đến bảo tồn. Hiện, quận Hoàn Kiếm đang phố hợp với vùng Ile-de-France (vùng Thủ đô Paris, Pháp) triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ và cải tạo biệt thự mẫu tại 49 Trần Hưng Đạo.

Đối với loại nhà biệt thự do tư nhân quản lý việc tu bổ, bảo tồn là rất khó vì việc phân bổ các diện tích sử dụng chung trong 1 số nhà rất phức tạp, sở hữu chưa thống nhất mà vẫn còn diện tích công – tư xen kẽ. Do đó, việc đảm bảo chất lượng cho từng ngôi biệt thự này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới quận cũng sẽ bàn, tính toán kỹ các giải pháp để cải tạo, bảo tồn được các biệt thự do dân quản lý. Trước mắt là khống chế không để phát sinh các phần diện tích cơi nới để đảm bảo tránh xuống cấp thêm.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng:

Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, quỹ nhà biệt thự Pháp hiện có ở Hà Nội không phải là di sản bởi chưa thấy một văn bản nào có hiệu lực xếp những biệt thự đó là di sản phải bảo vệ, bảo tồn theo Luật Di sản như những công trình Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử chẳng hạn. Nhưng các biệt thự xây dựng thời thuộc Pháp có giá trị kiến trúc, tiêu biểu cho một gia đoạn phát triển của Hà Nội những năm 20-30 của thế kỷ XX. Với kiến trúc mang đậm phong cách miền Nam nước Pháp được thiết kế bài bản, tinh tế, các biệt thự Pháp đã tạo cho những con phố cũ của Hà Nội nét đặc trưng của một đô thị châu Âu. Để các biệt thự đó xuống cấp, hư hại thì chúng ta đang để mất đi một quỹ kiến trúc rất có giá trị thời thuộc Pháp.

Hà Nội đã từng có chủ trương bảo tồn, tôn tạo, để giữ gìn phát huy giá trị của quỹ biệt thự này vào phát triển kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chủ trương này không thành công, bởi do biến động của lịch sử và chính sách vào những năm đầu Thủ đô giải phóng nên rất nhiều biệt thự đã trở thành nhà ở tập thể, nơi cư trú của nhiều hộ gia đình. Giải pháp di dân nhằm giãn bớt mật độ người sống trong các ngôi biệt thự này cũng đã được tính đến nhưng đòi hỏi nguồn ngân sách lớn không đủ khả năng nên đã không thực hiện được. Vậy nên, để công tác bảo tồn có kết quả, Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh du lịch.
Để làm được việc này phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ, người nào được giao thì người đó phải chịu trách nhiệm trước TP; phân công phân cấp rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời phải tuyên truyền và có cơ chế, để người dân đang sống trong những biệt thự cùng chung tay với TP trong việc bảo tồn những công trình này, vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không thực hiện được.