Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Crimea bị đánh bom, Nga rút khỏi thỏa thuận quan trọng với Ukraine

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga hôm nay (17/7) tuyên bố đã đình chỉ hành lang nhân đạo ở Biển Đen để vận chuyển các loại ngũ cốc quan trọng của Ukraine ra thị trường toàn cầu, vài giờ trước khi thỏa thuận hết hạn.

Được ký lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2022, Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã nhiều lần được gia hạn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Nga tỏ ra ngày càng bất mãn về những hạn chế của phương Tây đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón xuất khẩu của nước này.

Thỏa thuận quan trọng giữa Nga - Ukraine đã được thiết lập để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu kể từ sau khi xung đột quân sự nổ ra vào tháng 2/2022. Cả hai quốc gia đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới.

Thỏa thuận cho phép xuất khẩu lương thực thương mại và nguồn cung cấp phân bón, bao gồm cả amoniac, từ 3 cảng của Ukraine ở Biển Đen - Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi. Các tàu chở hàng đi qua hành lang nhân đạo đã được thống nhất để đến Istanbul - một trong những cảng nhộn nhịp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tham gia sâu vào các cuộc đàm phán.

"Như Tổng thống Liên bang Nga đã nói trước đó, hạn chót là ngày 17/7. Rất tiếc, phần liên quan đến Nga trong Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do đó, hiệu lực của nó sẽ bị chấm dứt" - Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/7 cho biết.

Giá lúa mì lập tức tăng 3,5% sau khi tin tức được đưa ra. Liên Hợp quốc trước đó cảnh báo, việc trì hoãn kiểm tra và bỏ qua các cảng lớn của Ukraine khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ tác động đáng kể đối với nguồn cung lương thực toàn cầu. Xuất khẩu lương thực qua hành lang giảm mạnh xuống còn 1,3 triệu tấn trong tháng 5 năm nay, từ mức cao nhất 4,2 triệu tấn vào tháng 10 năm ngoái, đánh dấu khối lượng thấp nhất kể từ khi sáng kiến ​​bắt đầu vào năm ngoái.

TASS cũng dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow đã chính thức thông báo cho Ankara, Kiev và ban thư ký Liên Hợp quốc rằng họ phản đối việc gia hạn thỏa thuận ​​này. Thỏa thuận chính thức hết hiệu lực vào nửa đêm ngày 17/7, theo giờ Istanbul.

Đáng chú ý, ông Peskov cho biết sự phản đối của Moscow đối với việc kéo dài thỏa thuận ngũ cốc đã được thông báo ngay cả trước khi xảy ra vụ nổ trên cây cầu Crimea vào ngày 17/7, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và giao thông bị tắc nghẽn. Giới chức Nga đã gọi đây là "cuộc tấn công khủng bố", và đổ lỗi cho Kiev.

Cầu Crimea bị hư hại sáng ngày 17/7. Nguồn: CNN
Cầu Crimea bị hư hại sáng ngày 17/7. Nguồn: CNN

Quân đội Ukraine cho rằng vụ tấn công có thể là một hành động khiêu khích nào đó của chính Nga, nhưng truyền thông Ukraine trích dẫn các nguồn tin không xác định nói rằng Cơ quan An ninh Ukraine đứng sau vụ việc.

Moscow cũng từng cáo buộc Kiev chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công vào cây cầu này vào tháng 10 năm ngoái, nói rằng nó được tổ chức bởi lực lượng tình báo quân đội Ukraine và giám đốc của tổ chức - Kyrylo Budanov. Ukraine chỉ gián tiếp thừa nhận về vụ tấn công vài tháng sau đó.

Trong những tuần gần đây, ùn tắc giao thông ở lối vào cây cầu kéo dài hàng km mỗi ngày khi người Nga đi nghỉ mát tại Crimea. Vào sáng nay, tình trạng kẹt xe cũng đã kéo dài hàng km trước khi cảnh sát hướng dẫn các phương tiện tránh xa cây cầu.

Chính quyền bán đảo Crimea do Nga hậu thuẫn kêu gọi người dân không đi qua cây cầu. Vladimir Saldo, Thống đốc Kherson do Nga bổ nhiệm, cho biết khách du lịch Nga sẽ có thể đi du lịch đường bộ qua các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine để đến Crimea.