Phát huy vai trò cầu nối giữa DN với các cấp chính quyền địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tạo động lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương
HHDN tỉnh Sóc Trăng được thành lập theo Quyết định số 140/QĐTC-CTUBND ngày 11/04/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Hiệp hội hiện có 127 hội viên đang sinh hoạt; 3 Ban trực thuộc và 1 câu lạc bộ (CLB), gồm: Ban tư vấn DN, Ban tài chính, Ban hội viên và CLB nữ doanh nhân tỉnh. Ban Chấp hành Hiệp hội có hai người là đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri và DN để phản ánh trong các kỳ họp HĐND tỉnh.
Trong gần 10 năm hoạt động, HHDN tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành tốt các kế hoạch, mục tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) góp phần tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.
Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN tỉnh Sóc Trăng nói riêng. HHDN tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau, vượt khó, thực hiện mục tiêu kép, từng bước khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Hiệp hội đã kịp thời triển khai đến các hội viên các chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Đặc biệt là, Hiệp hội đã tổ chức tư vấn miễn phí cho 62 DN, hộ kinh doanh và 2 cá nhân khởi nghiệp; gửi email, Zalo với 63 văn bản về các nghị quyết, quyết định, thông tư, văn bản cho trên 5.400 lượt DN, giúp DN tiếp cận các chính sách và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí...
Cũng trong năm qua, HHDN tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức chương trình “Cà phê kết nối - Hội nhập Doanh nghiệp 2021” với chủ đề: “Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động trong Doanh nghiệp?” và “Kinh nghiệm linh hoạt - thích ứng để giúp duy trì và phát triển doanh nghiệp bền vững”.
Phát huy vai trò cầu nối giữa các DN và chính quyền địa phương, Hiệp hội thường xuyên theo dõi, khảo sát tình hình hoạt động, quá trình sản xuất, kinh doanh của DN hội viên. Từ đó, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh để tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của DN đến các cấp chính quyền nhằm tháo gỡ những nút thắt, hỗ trợ DN.
Hiệp hội cũng đã chủ động phối hợp với các ban ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, VCCI… xây dựng các cơ chế chính sách, đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó đã gửi báo cáo đánh giá độc lập cho VCCI theo tinh thần Nghị quyết 02/CP của Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Tỉnh Sóc Trăng đang đứng trước cơ hội lớn với một vị trí rất đặc biệt. Cụ thể, khi tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cầu Đại Ngãi, tuyến Đường Ven biển, Cảng biển nước sâu Trần Đề được xây dựng và vận hành, tỉnh Sóc Trăng sẽ trở thành điểm đến của con đường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất ĐBSCL. Đây là nền móng, hành trình mới đầy hứa hẹn, thôi thúc cộng đồng DN thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng tươi sáng, giàu đẹp.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu quan điểm: Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến hoạt động của cộng đồng DN. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn của người dân và DN; thiết lập đường dây nóng trả lời nhanh những thắc mắc, khó khăn; tổ chức họp mặt DN nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…
Đồng thời, ông Lâm Hoàng Nghiệp cũng kêu gọi cộng đồng DN nắm bắt cơ hội và xây dựng DN phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước; nỗ lực vượt qua đại dịch, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực.
Đội quân chủ lực xây dựng đất nước hùng cường
Khi bàn đến vị trí, vai trò của cộng đồng DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm đã nói: Nghị quyết của Đảng đã xác định rất rõ ràng, cụ thể: “Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 5 (Khóa XII) cũng đã nêu rõ: “Đội ngũ DN ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của DN dần được nâng lên”.
Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất lớn (với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng khoảng 200% GDP), cộng đồng DN chính là đội quân chủ lực tiến ra ngoài bờ cõi để kinh thương nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.