Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Thăng Long và cầu Mai Lĩnh lún, nứt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khánh thành vài tháng đã hỏng, vá xong mấy tháng lại… thủng, đó là tình trạng của mặt cầu Thăng Long. Cầu Mai Lĩnh cũng mấp mô lượn sóng.

KTĐT - Khánh thành vài tháng đã hỏng, vá xong mấy tháng lại… thủng, đó là tình trạng của mặt cầu Thăng Long. Cầu Mai Lĩnh cũng mấp mô lượn sóng.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 9 - 5, tại nhiều điểm, lớp nhựa trên mặt cầu Thăng Long nứt thành khe rộng từ 3 đến 4cm, có thể cho cả lòng bàn tay vào được. Nhiều chỗ khác gồ lên 15 cm, hay lõm xuống 15cm.

Anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe tuyến Phú Thọ - Hà Nội, thường xuyên qua cầu Thăng Long nói, mặt cầu nhiều lớp gồ ghề, nếu lái xe không thường xuyên qua cầu này, sẽ dễ bị bất ngờ và gây ra tai nạn giao thông. Với những cái rãnh sâu 15cm, chỗ gồ lên 15cm, lái xe chạy tốc độ cao rất nguy hiểm, đặc biệt khi trời mưa và trời tối.

Anh Toàn cho biết, theo hướng Nội Bài – Trung tâm Hà Nội, trong tháng Tư vừa qua, anh chứng kiến dăm bảy vụ tai nạn (xe mất lái, phanh gấp bị xe sau đâm, mất lái đâm sang xe ở làn đường bên cạnh, tai nạn dây chuyền với 6 đến 7 xe dính.

Còn theo anh Phạm Tuấn Long (Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội), khoảng giữa tháng Tư, anh lái xe đưa khách ra sân bay Nội Bài. Bánh xe nằm vào đúng vị trí rãnh lún khiến xe bị mất lái và đâm vào xe khách. Vụ va chạm khiến toàn bộ đầu xe của anh Long bị bẹp, nắp ca pô bật tung. Rất may, hôm đó, anh Long lái xe chậm nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Cầu Thăng Long (được đầu tư kinh phí sửa chữa lên tới 91 tỷ đồng), nhưng chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, đã được vá lại ít nhất bốn lần. Nhưng, mặt cầu liên tục lún, nứt và hỏng.

Năm 2010, Bộ GTVT đã dùng nguyên liệu nhập khẩu để vá lại mặt cầu với tư vấn của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhưng đến nay, cầu vẫn tiếp tục thủng và hỏng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (Hội Xây dựng Việt Nam) nhận định: Mặt cầu Thăng Long hỏng là do lớp nhựa của mặt đường không kết dính với mặt cầu, khi ô tô phanh, chuyển động tạo ra ma sát giữa mặt lốp và mặt đường, tạo ra lực (Căng – Kéo), làm đứt lớp nhựa này. Khi đó, các xe lưu thông qua lại những vị trí mà khả năng chịu kéo thấp nhất sẽ đứt lớp nhựa trải, khiến lớp nhựa này dồn lại bề mặt của cây cầu, tạo ra sự gồ ghề.

Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô ở phía Tây (quốc lộ 6), nhiều ngày qua, cầu Mai Lĩnh bắc qua sông Đáy - Hà Đông phải cắm biển hạn chế tải trọng phương tiện vì lún nứt.

Hàng ngày cầu Mai Lĩnh có hàng nghìn phương tiện qua lại, trong đó có nhiều xe tải chở hàng hóa đi lại hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Những ngày qua hầu hết phương tiện qua đây phải hạn chế tải trọng, nối đuôi đi như rùa.

Có mặt tại cầu Mai Lĩnh chiều qua, PV Tiền Phong ghi nhận, cả hai đường dẫn lên cầu hướng Hà Nội - Hòa Bình và ngược lại đều được cắm biển “Cầu yếu, các phương tiện hạn chế tải trọng, giảm tốc độc và giữ khoảng cách 15m”. Phía trên, toàn bộ mặt cầu dài gần 200m đang xuất hiện nhiều đoạn mấp mô, lượn sóng. Các nhịp từ số 2 đến 4 hướng từ Hà Nôi có nhiều ổ gà, ổ trâu với kích thước 0,5x0,5m, sâu 5 đến 6 cm. Cá biệt, tại vị trí nhịp số 4 mặt cầu còn bị lõm sâu trên 10 cm, vệt lõm dài hơn 5m, rộng trên 40cm và chòi cả cốt thép bên dưới. Tương tự, đường bộ hành hai bên cầu còn bị nứt và có biểu hiện nghiêng. Để an toàn cơ quan quản lý cầu đã phải dùng các khối bê tông lớn chắn ngang ở hai bên đầu cầu để không cho người đi bộ qua lại. Mỗi khi có ô tô đi qua, cầu Mai Lĩnh lại rung lên bần bật.

Cty Quản lý và Xây dựng đường bộ (Sở GTVT Hà Nội), đơn vị quản lý tuyến cầu Mai Lĩnh cho biết, cầu Mai Lĩnh được xây dựng từ những năm 1980 Cty đã báo cáo Sở GTVT và việc sửa chữa, gia cố cầu đang được giao cho BQL Dự án duy tu hạ tầng Giao thông đô thị của sở thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hồng, Phó giám đốc BQL Dự án duy tu hạ tầng Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tiến độ sửa chữa cầu Mai Lĩnh sẽ kéo dài khoảng 3 tháng. Trong thời gian sửa chữa, cầu Mai Lĩnh sẽ hạn chế ô tô tải trên 30 tấn và giảm tốc độ tối đa với mọi phương tiện.