Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm hoàn thuế, lỗi tại ai?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dù đã có nhiều phản ánh và chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho DN đến nay vẫn chưa có hồi kết. Việc chậm hoàn thuế này đang gây rất nhiều tổn thất cho DN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt. Con số 39% trong 7 tháng cho thấy tiến độ hoàn thuế đang rất chậm.

Chậm hoàn thuế - lỗi tại ai, đang là câu hỏi được đề cập đến trong thời gian qua. Theo đại diện Bộ Tài chính, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về DN, người dân, cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân.

Phản ánh của các DN cho thấy, nguyên nhân được xác định là do cơ quan thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc trích xuất này diễn ra quá chậm, vì lực lượng xác minh mỏng, nguồn cung lại nhiều và phức tạp. Vì thế có nghịch lý, trong khi DN khó khăn nhưng có đơn hàng cũng không dám nhận bởi nếu mỗi chuyến tàu xuất khẩu với trị giá 100 tỷ đồng, thì khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế giữ lại.

Lý lẽ từ phía cơ quan thuế thì dẫn giải rằng, công tác hoàn thuế VAT theo Luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, hồ sơ hoàn thuế được phân làm hai trường hợp: hồ sơ kiểm tra trước - hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước - kiểm tra sau. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước - kiểm tra sau, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn kịp thời, đúng quy định. Các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước - hoàn thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định. Qua rà soát các thông tin trong những năm gần đây, cơ quan thuế nhận thấy một số DN hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải kiểm tra và xác minh.

Trong khi câu chuyện lỗi tại ai chưa ngã ngũ thì DN vẫn trong tình trạng “thịt ăn không có, lại có thịt treo”. Vì thế, cần thiết phải có các giải pháp để giải quyết bài toàn đẩy nhanh tốc độ hoàn thuế và tốc độ giải quyết các hồ sơ, trong đó có các hồ sơ cần kiểm soát rủi ro.

Vì vậy, cơ quan thuế phải phối hợp tốt với DN và các cơ quan liên quan để xem xét, rà soát, cải tiến khắc phục vấn đề này. Trước hết là rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, từ đó xem xét điều chỉnh, cải tiến nhằm rút ngắn quy trình, bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, đồng thời phải phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế GTGT.

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng trí tuệ nhân tạo… qua đó sàng lọc, phân tích các rủi ro, trên cơ sở đó giảm đi việc kiểm trước - hoàn thuế sau là một giải pháp được các chuyên gia đánh giá là sẽ phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan thuế. Đồng thời nâng cao hiểu biết của DN về các quy định thuế nhằm chủ động tương tác trong quá trình thực hiện các quy định tài chính, thuế và hoàn thuế VAT, từ đó rút ngắn được thời gian cho DN. Nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện đúng quy trình pháp luật, không có hiện tượng gây khó khăn và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế, đáp ứng yêu cầu của DN.