Đẩy nhanh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên
Giảng viên Học viện Chính trị là lực lượng tiên phong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Bởi vậy, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, là khâu đột phá để xây dựng Học viện Chính trị là trung tâm giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và Quốc gia.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ II, BCH TƯ Đảng khóa VIII đã khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh, giáo viên phải có đủ đức tài…”. Sự vững mạnh của đội ngũ giảng viên có liên quan trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Học viện Chính trị.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt’’…
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, Quân ủy TƯ, Bộ Quốc phòng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện đồng bộ giáo dục, đào tạo của Học viện. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất tốt, đạo đức trong sạch, lành mạnh, gắn bó với nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Để đẩy nhanh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, Học viện đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên theo chuẩn của Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ GD&ĐT; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, tầm nhìn chiến lược, năng lực sáng tạo và tính chuyên nghiệp của cán bộ quản lý.
Học viện đã thực hiện nhiều biện pháp, kết hợp giữa đào tạo tại chỗ và liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo khác; giữa nâng cao kiến thức lý luận tại Học viện với bồi dưỡng kiến thức thực tế tại đơn vị; ưu tiên tuyển chọn giảng viên các chuyên ngành, như: tôn giáo, dân tộc, quan hệ quốc tế…Mặt khác, Học viện chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo trong và ngoài nước; đi thực tế chức vụ, tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế ở các đơn vị.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Để chăm lo xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên có chất lượng cao ngang tầm với nhiệm vụ cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Giải pháp này có ý nghĩa quyết định đến chăm lo, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ là cơ sở, nền tảng, định hướng chỉ đạo, nhận thức và hành động của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm cho đội ngũ này luôn giữ vững và phát huy tinh thần trách nhiệm, ra sức phấn đấu, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, hệ thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nghiên cứu khoa học. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; trên cơ sở đó, thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của trên, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để bổ sung, tạo nguồn cán bộ, giảng viên cho Học viện.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Đây là bước triển khai cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo của các cấp về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, khoa, hệ.
Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo và kết quả xem xét đánh giá trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên để xây dựng kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tuyển chọn giảng viên; thực hiện công khai, dân chủ trong đào tạo, sử dụng đề bạt, bổ nhiệm.
Học viện cũng tập trung giải quyết vấn đề số lượng, khắc phục tình trạng thiếu giảng viên bằng cách; xét tuyển chọn học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, sức khỏe, có nguyện vọng ở lại Học viện; tổ chức bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cả về kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, tác phong, phương pháp công tác, khả năng vận dụng lý luận với thực tiễn; khuyến khích đội ngũ giảng viên tự học, tự rèn nâng cao trình độ; đề nghị điều động học viên tốt nghiệp ở các học viện, nhà trường Quân đội và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ở các học viện, nhà trường ngoài Quân đội để bồi dưỡng, tạo nguồn giảng viên.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo dục, đào tạo ở Học viện
Học viện cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp sư phạm, nghiên cứu khoa học, tin học, ngoại ngữ; tổ chức cho giảng viên đi đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh ở các học viện trong, ngoài quân đội và ở nước ngoài. Xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi học tập, thực tế chức vụ tại các đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị mới được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại. Tổ chức cho giảng viên tham gia các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao các cấp, tham gia hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hoạt động phương pháp như: giảng thử, giảng mẫu, thi giảng viên giỏi…
Trong quá trình chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng, chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kiến thức mới, nhất là bồi dưỡng phương pháp dạy tích cực, khai thác sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Bốn là, thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác chính sách, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Học viện và các khoa, phòng, ban cần chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo đảm đầy đủ các chế độ tiêu chuẩn, chính sách; tạo điều kiện để giảng viên phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo giỏi cấp bộ, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.
Học viện cũng thực hiện tốt công tác khen thưởng, kịp thời tôn vinh các tập thể và giảng viên điển hình, tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; quan tâm đến hậu phương gia đình cán bộ, giảng viên; chăm lo sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ góp phần xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực...