Chặn thực phẩm bẩn từ gốc

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu cùng với mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Bởi, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để thu lợi nhuận cao. Thực trạng này đòi hỏi sự tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa Tết.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP.

Nhờ đó, vấn đề ATTP của Hà Nội cơ bản được bảo đảm tốt, không phát sinh vụ việc phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội thành lập 806 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Qua kiểm tra 20.688 cơ sở, có 16.985 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 82,1%; 3.618 cơ sở vi phạm. Trong đó, hơn 600 cơ sở vi phạm hành chính về ATTP bị xử phạt với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Hà Nội, đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng là một trong những động thái tích cực, hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân thời gian qua.

Để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hà Nội rất cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương trong thanh tra, kiểm tra ATTP từ “gốc”, tuyên truyền, xử lý cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quán ăn, chất phụ gia.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm...

Nhằm đảm bảo ATTP những tháng cuối năm, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong thanh tra, kiểm tra ATTP, đặc biệt hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm về ATTP.

Cùng với đó, TP duy trì các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. TP duy trì, xây dựng mới 20 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 17 quận huyện; kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã, phường của 20 quận, huyện đạt chỉ tiêu.

TP tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát nhằm nâng cao ý thức tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học/10 quận, huyện; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện. Vào dịp Tết, Hà Nội cần tăng cường, chú trọng đến công tác giám sát ngộ độc thực phẩm. Ngành y tế tiếp tục duy trì 4 đội cơ động để xử lý vấn đề về ATTP trong dịp Tết.

Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, địa phương, mỗi người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức ATTP, kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... là cách để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Hãy tìm mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân lưu ý về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu trong dịp Tết.

Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, định hướng, lựa chọn kỹ lưỡng hàng hóa, thực phẩm an toàn. Người dân cần tích cực giám sát các cơ sở, người chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm; chủ động phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu vi phạm về ATTP để đảm bảo đón Tết an toàn, vui tươi, khỏe mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần