Không thể phủ nhận, trái phiếu DN là một kênh huy động vốn hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, chất lượng của loại hàng hóa này lại rất đáng báo động.
Theo thống kê, năm 2021, các DN phát hành 723.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với 2020. Quy mô thị trường TPDN tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây và chiếm 16,6% GDP của Việt Nam. Đáng quan tâm, trái phiếu đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu và trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 53% tổng lượng trái phiếu DN (TPDN) phi tài chính phát hành năm 2021.
Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo. Như vậy, đã có hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành vi phạm pháp luật bị hủy bỏ. Và cũng có hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu 3 không, 4 không hoặc có tài sản đảm bảo nhưng chất lượng thấp đã được phát hành.
Vụ việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần phải siết lại các quy định về phát hành trái phiếu DN (TPDN), bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Vậy, lỗi tại ai, cơ quan nào, lỗ hổng nào đã khiến DN có thể dễ dàng lách qua để phát hành hàng chục tỷ đồng trái phiếu, bán giấy lấy tiền.
Điều 5, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu quy định: DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Còn tại Điều 9 Nghị định này, đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), DN phải có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Như vậy, có thể thấy, các công ty kiểm toán độc lập, công ty tư vấn, các đại lý phát hành… đóng vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn, thẩm định, lên tiếng cảnh báo, ngoại trừ theo các quy định của pháp luật khi đánh giá một hồ sơ phát hành TPDN.
Phía Ủy ban Chứng khoán cho biết, đang kiểm tra hoạt động tư vấn, đại lý phát hành các công ty chứng khoán liên quan 9 đợt chào bán trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, năm 2022, những thay đổi về quy định pháp lý cũng khiến thị trường này thêm hy vọng về việc phát triển minh bạch, hiệu quả hơn. Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP bổ sung yêu cầu DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn. Các quy định mới cũng khiến vai trò của ngân hàng tiếp tục thu hẹp như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất; không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con…
Hy vọng các cơ quan quản lý sẽ thực hiện nghiêm hơn các quy định này, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm… để thị trường TPDN ngày càng phát triển và minh bạch hơn.