Giữa lúc sức nóng từ Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi chưa giảm nhiệt, truyền thông thế giới lại tập trung phân tích về những mục tiêu trong chuyến thăm Việt Nam, Nhật Bản của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Điều này cho thấy, châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm điều chỉnh chiến lược của nhiều cường quốc. Trên thực tế, việc lựa chọn Nhật Bản là nơi tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh G7 tuần tới và Trung Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 là bước đi cụ thể hoá chiến lược hướng tới châu Á – Thái Bình Dương của các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác. |
Trong 2 nhiệm kỳ của mình, chính sách xoay trục của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã được triển khai với hướng thứ nhất là sang Đông Nam Á với tâm điểm hợp tác ASEAN và hướng thứ hai Đông Bắc Á với trọng tâm là mối quan hệ liên minh Hoa Kỳ - Nhật - Hàn.
Còn Nga, trong bối cảnh quan hệ với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã lựa chọn “Đông tiến” nhằm hóa giải những khó khăn từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Chính sách xoay trục của Moscow được nhìn nhận như một chiến lược tái cân bằng cơ bản dựa trên đặc thù địa chính trị nằm trên 2 phần lãnh thổ châu Âu và châu Á. Sau hàng trăm năm là một cường quốc quốc châu Âu, Nga đã rời khỏi “Lục địa già” để “bước vào châu Á” với mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Việt Nam…
Tại Sochi, Tổng thống Nga V.Putin đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do EAEU-ASEAN. |
Theo hướng dịch chuyển của chiến lược tái cân bằng, sự đối đầu của Nga với Hoa Kỳ và phương Tây ngoài cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine đã bao gồm cả các vấn đề chính trị, kinh tế nổi cộm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với Washington, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là công cụ phục vụ cho chính sách xoay trục của Mỹ sang khu vực rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên và đang phát triển năng động nhất hiện nay. Quyết tâm đẩy nhanh tiến trình thực thi TPP thông qua chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản – 2 quốc gia thành viên của Hiệp định này phản ánh tham vọng để lại cho hậu thế di sản chính trị, ngoại giao của ông Obama trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1/2017. Trước đó, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ, Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga, Tổng thống Putin đã đề xuất thiết lập một khu vực tự do thương mai giữa Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) và ASEAN. Ý tưởng này được các chuyên gia cho là một đối trọng của TPP, giúp Nga tiếp cận một thị trường rộng lớn lên tới 630 triệu người trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn liên quan đến xuất khẩu năng lược do giá dầu xuống thấp và nhập khẩu nông sản do các lệnh trả đũa nhiều nước châu Âu. Thực tế cho thấy chiến lược thực dụng và thích hợp của Điện Kremlin khi “Đông tiến” đã phát huy hiệu quả khi nhiều nước ASEAN ngỏ ý sẽ nhập dầu từ Moscow hoặc đổi cao su, lúa gạo lấy vũ khí, khí tài của Nga. Trong lúc lãnh đạo các quốc gia ASEAN rời Sochi với nhiều thỏa thuận hợp tác có giá trị với những tập đoàn hàng đầu của Nga, chuyến đi tới Việt Nam và Nhật Bản của Tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng hứa hẹn khép lại những vướng mắc còn tồn tại, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác song phương. Vì thế, cuộc tranh giành ảnh hưởng của Nga – Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương về ngắn hạn sẽ mang nhiều lợi ích cho khu vực.