Châu Á thiệt hại nặng nhất khi Mỹ ngừng miễn trừ trừng phạt Iran

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quan chức châu Á nhanh chóng phản đối động thái dự kiến của Washington, chỉ ra điều kiện thị trường chặt chẽ và giá nhiên liệu cao đang gây hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ.

Reuters dẫn lời nguồn tin thân cận cho biết, Mỹ dự kiến trong hôm nay (22/4) sẽ đưa ra khuyến cáo với người mua dầu Iran cần sớm chấm dứt nhập khẩu, bằng không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt có hiệu lực từ tháng 11/2018. Điều này dự báo sẽ khiến giá dầu thô tăng 3%.
Ảnh minh họa. 
Nguồn tin xác nhận một báo cáo trước đó của Washington Post rằng, chính quyền Mỹ sẽ chấm dứt các miễn trừ trừng phạt mà nước này đã cấp cho một số nhà nhập khẩu dầu Iran, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp hồi cuối năm ngoái. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang muốn gây áp lực kinh tế tối đa lên Tehran bằng cách cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ và giảm nguồn thu chính của quốc gia Hồi giáo xuống mức 0.
Chấm dứt miễn trừ sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến người mua châu Á, trong khi các khách hàng dầu lớn nhất của Iran là Trung Quốc và Ấn Độ đều đã vận động hành lang để gia hạn miễn trừ xử phạt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh hôm nay cho biết nước này phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran, đồng thời khẳng định việc hợp tác song phương của Bắc Kinh - Tehran là phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên, người phát ngôn đã không trả lời liệu Trung Quốc có để tâm đến lời kêu gọi của Washington đối với việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran xuống 0 hay không.
Giám đốc nghiên cứu chính sách năng lượng tại ĐH Kinh tế Quốc tế Bắc Kinh, Dong Xiucheng, cho biết các công ty Trung Quốc có thể sẽ giảm nhập khẩu từ Iran để thể hiện một số mức độ tuân thủ, nhưng không thể cắt đứt hoàn toàn dầu Iran, đơn giản vì nó không phù hợp với chính sách ngoại giao dài hạn của Trung Quốc.
Ở Ấn Độ, các nhà tinh chế được cho là đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế, tuy nhiên Chính phủ Delhi hiện vẫn từ chối đưa ra bình luận. Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ và cũng là một người mua chính của Iran với một dạng dầu thô siêu nhẹ mà ngành công nghiệp tinh chế của Hàn Quốc đang dựa vào để sản xuất hóa dầu.
Cả Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản hiện vẫn từ chối đưa ra bình luận trước khi một thông báo chính thức của Mỹ được đưa ra, tuy nhiên Takayuki Nogami - nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC), nhận định việc chấm dứt miễn trừ trừng phạt không phải là một chính sách tốt đối với ông Trump khi cho rằng ​​giá dầu sẽ tăng hơn nữa do lệnh trừng phạt của Mỹ và cắt giảm nguồn cung do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu.
Trước khi áp dụng lại các lệnh trừng phạt, Iran là nhà sản xuất lớn thứ 4 của OPEC với gần 3 triệu thùng/ngày (bpd), tuy nhiên xuất khẩu tháng 4 đã giảm xuống dưới 1 triệu bpd.