Châu Âu bấn loạn vì khủng hoảng khí đốt khi Nga đóng cửa Nord Stream 1

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo hóa đơn điện của người dân châu Âu có thể tăng thêm 2.000 tỷ USD trong năm tới, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn một thảm họa năng lượng có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và thậm chí cả tài chính.
Đối mặt khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn thập niên 70

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang ngày càng leo thang, có nguy cơ đẩy châu lục này tới bờ vực suy thoái. Chính phủ nhiều nước ở “lục địa già” buộc phải chi hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.


Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng vọt tới 28% trong ngày 5/9. Ảnh: Getty
Theo CNN, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng vọt tới 28% trong ngày 5/9, tương đương khoảng 272/mWH, sau khi tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom thông báo đóng cửa vô thời hạn tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1. Năm ngoái, tuyến đường ống này chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, kể từ ngày 27/7 vừa qua, tập đoàn Gazprom đã cắt giảm hoạt động của Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất.

Động thái của Moscow làm gia tăng quan ngại rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông sắp tới. Tâm lý lo ngại cũng lan rộng ở Anh sau khi giá khí đốt tự nhiên tại đây leo dốc hơn 1/3 trong phiên giao dịch ngày 5/9. Doanh nghiệp trên khắp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lo ngại rằng họ sẽ phải dừng hoạt động trong mùa đông vì thiếu điện. Trong khi đó, các hộ gia đình tại khu vực Eurozone đối mặt áp lực tài chính lớn khi hóa đơn điện tăng vọt.

Theo dự báo của Goldman Sachs, trong năm 2023, chi phí hóa đơn tiền điện của mỗi hộ gia đình tại châu Âu có thể lên tới 500 euro mỗi tháng, gấp hơn 3 lần so với chi phí năng lượng trong năm 2021.

Mức giá này được Goldman Sachs dự báo trong trường hợp Nga nối lại vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, nếu Moscow tiếp tục khóa van khí đốt sang châu Âu, hóa đơn năng lượng hàng tháng của mỗi hộ gia đình tại khu vực này có thể vọt lên mức 600 euro.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ ngày càng tồi tệ hơn và hóa đơn năng lượng toàn châu lục có thế thiết lập kỷ lục tới 2.000 tỷ USD trong năm 2023. “Chúng tôi cho rằng châu Âu sẽ phải chứng kiến thảm họa năng lượng nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970” – các chuyên gia của Goldman Sachs cảnh báo.

Bài toán nan giải

Suốt nhiều tháng qua, EU đã tăng cường dự trữ năng lượng cho mùa đông, thời điểm tiêu thụ năng lượng tăng đột biến. Các nước EU lo ngại rằng Nga sẽ giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, những kho chứa khí đốt đã đầy 82%, vượt quá mục tiêu mà các nước trong khu vực đặt ra.

Tuy nhiên, khi Nga giảm mạnh cung cấp khí đốt trong tháng 7 và thậm chí đang ngừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1, mức tích trữ trên sẽ không đủ.

Sau thông báo ngừng vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 của Gazprom hôm 2/9, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU dự kiến sẽ gặp nhau ngày 9/9 để thảo luận các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự gia tăng giá khí đốt và điện đang tác động đến ngành công nghiệp châu Âu và hóa đơn hộ gia đình.

Trong cuộc họp khẩn cấp sắp tới, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ xem xét các lựa chọn bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt dùng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện hành của EU, theo tài liệu dự thảo do Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, biên soạn. Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét cung cấp “hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu” khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng đang đối mặt với các yêu cầu ký quỹ rất cao.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng giải pháp giới hạn giá khí đốt khó có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vốn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm hoàn toàn.

Goldman Sachs ước tính rằng giải pháp giới hạn giá khí đốt giúp tiết kiệm hóa đơn năng lượng 650 tỷ euro/năm, song các hộ gia đình tại châu Âu có thể sẽ vẫn phải gánh chi phí tiền điện cao kỷ lục do giá khí đốt tiếp tục tăng mạnh. “Giới hạn giá khí đốt sẽ không giải quyết được bài toán hóa đơn năng lượng đối với người dân châu Âu. Mức tăng chi phí năng lượng tại châu Âu trong năm tới sẽ vẫn ở mức hơn 1,3 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP”.

Goldman Sachs cho rằng chìa khóa để châu Âu đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai là phải tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời lưu ý thêm rằng quá trình này sẽ không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, vì cần có thời gian để xin giấy phép và xây dựng cơ sở hạ tầng.