Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu “cai nghiện” thành công khí đốt Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích nhận định châu Âu dường như đã “đoạn tuyệt” thành công khí đốt của Nga khi giá mặt hàng này giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.

Vì sao giá khí đốt giảm xuống mức kỷ lục

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh thời gian qua do thời tiết ấm áp bất thường trong mùa đông năm nay, cùng với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và kho dự trữ khí đốt dồi dào.

Giá khí đốt tại châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Ảnh: Bloomberg
Giá khí đốt tại châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Financial Times, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá hợp đồng khí đốt TTF châu Âu đã giảm gần 5%, xuống còn 49 euro/MWh, mức thấp nhất trong 18 tháng qua. Như vậy, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm tới 85% so với mức cao nhất hơn 300 euro/MWh vào tháng 8/2022, thời điểm Nga giảm mạnh nguồn cung năng lượng sang châu Âu.

Theo các chuyên gia năng lượng, đây là thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu do thời tiết ôn hòa và kho dự trữ dồi dào đã giúp hạ nhiệt giá khí đốt trong khu vực. Giá khí đốt hiện tại ở châu Âu vẫn cao hơn so với các mức giá phổ biến trong lịch sử 10-30 euro/MWh, song không còn đe dọa gây ra một cuộc suy thoái sâu và kéo dài trên khắp châu Âu.

Nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá: “Châu Âu có vẻ như đã cai nghiện thành công khí đốt của Nga. Giá khí đốt TTF châu Âu vẫn còn đắt, nhưng không còn cần phải định giá trước nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn”.

Mùa đông ở châu Âu chỉ còn kéo dài 6 tuần, nhưng tính đến hôm 15/2, mức lấp đầy kho khí đốt dự trữ ở châu Âu, một trong những thước đo quan trọng đánh giá rủi ro thiếu hụt trong ngắn hạn là khoảng 65%, cao hơn nhiều so với mức trung bình vào thời điểm này hàng năm.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu chở dầu trên biển chủ yếu từ Hoa Kỳ và Qatar.

Chạy đua mua khí đốt với châu Á?

Theo chuyên gia Henning Gloystein, nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp ở châu Âu giảm khoảng 20% trong năm qua, nhưng sản lượng giảm không đáng kể nhờ hiệu quả sản xuất và khả năng chuyển đổi nhiên liệu cao hơn. Các dự báo thời tiết dài hạn cho thấy nhiệt độ trong tháng 3 ở châu Âu sẽ tương đối ôn hòa.

Tình hình thời tiết sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm, giúp các nước châu Âu dễ dàng bổ sung lượng dự trữ trước mùa đông năm tới, ngay cả khi nguồn cung năng lượng từ Nga hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler của ngân hàng Berenberg nói với đài CNN hôm 17/2 rằng ông hy vọng châu Âu sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới, nếu nhiệt độ không quá khắc nghiệt và khu vực này vẫn duy trì sản lượng nhập khẩu khí đốt từ các nhà cung cấp lớn khác.

Ngoài ra, dự báo nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ được cải thiện khi kho cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport LNG ở bang Texas ở Mỹ sắp hoạt động lại. Cơ sở này đóng góp đến 20% sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trước khi tạm dừng hoạt động vào mùa hè năm ngoái do sự cố hỏa hoạn.

Mặc dù vậy, ông Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận khí đốt tại Công ty tư vấn ICIS vẫn cảnh báo, giá khí đốt giảm có thể bắt đầu kích thích nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Theo ông, dù mức lưu trữ cao ở châu Âu và châu Á báo hiệu không có một cuộc tranh mua trong ngắn hạn đối với các lô hàng LNG từ Mỹ, nhưng giá giảm chắc chắn sẽ khiến nhu cầu khí đốt tăng mạnh, cả trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. “Điều này có nghĩa là giá khí đốt chuẩn ở châu Âu ít có khả năng giảm về mức trước khi bùng phát đại dịch Covid-19” – chuyên gia Marzec-Manser nói.