Châu Âu cần 800 tỷ Euro để đạt mục tiêu về khí hậu vào 2030

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tổ chức công nghiệp hàng đầu cho rằng các khoản đầu tư lớn không thể chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư tư nhân mà còn cần sự hỗ trợ từ chính phủ.

Các doanh nghiệp EU vẫn đang vật lộn với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Ảnh: GLLTK
Các doanh nghiệp EU vẫn đang vật lộn với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Ảnh: GLLTK

Bàn tròn Công nghiệp Châu Âu (ERT), một nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng ở Brussels, Pháp, cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba rằng các mục tiêu của Châu Âu về giảm và đạt được mức phát thải CO₂ ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào lưới điện, lưu trữ năng lượng và cơ sở hạ tầng về thu hồi carbon.

Mặc dù khoản đầu tư 800 tỷ Euro là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu đến năm 2030, nhưng ước tính vào năm 2050, khối này sẽ cần tổng cộng 2,5 nghìn tỷ Euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời vẫn duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế.

"Các ưu đãi để thu hút đầu tư tư nhân rất cần thiết vẫn chưa được thiết lập, đây sẽ là các ưu tiên chiến lược đối với những nhà hoạch định chính sách", ông Dimitri Papalexopoulos, Chủ tịch ủy ban chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu của ERT, cho biết. "Vào một thời điểm nào đó, sẽ có khoảng cách giữa các khu vực hoặc quốc gia thành công hơn trong cuộc đua giảm phát thải carbon và thụ hưởng những lợi thế cạnh tranh tương ứng. Năm năm tới sẽ là thời gian quyết định điều đó,” ông nói thêm,

Từ năm 2010 đến năm 2018, tổng đầu tư vào lưới điện ở các nước EU đạt con số khiêm tốn khoảng 32 tỷ Euro. Nếu tiếp tục xu hướng đầu tư với tốc độ đó thì cho đến năm 2050, tỉ lệ giữa nguồn vốn đầu tư và nhu cầu thực tế sẽ vênh tới 60%, ERT cho biết thêm.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức công nghiệp hàng đầu nói với tờ Financial Times rằng các khoản đầu tư lớn như vậy không thể chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư tư nhân gánh vác mà không có sự hỗ trợ từ chính phủ.

Ông Marco Mensink, Tổng giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Châu Âu Cefic cho biết, các doanh nghiệp EU vẫn đang vật lộn với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2008, do nhu cầu sau đại dịch không ổn định, thủ tục hành chính rườm rà và cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục.

"Chúng tôi không muốn giảm thiểu khí thải carbon bằng cách phi công nghiệp hóa, đó là vấn đề cốt lõi, nhất là ở thời điểm năng lực sản xuất công nghiệp của châu Âu đang được sử dụng ở mức "thấp lịch sử",” ông Mensink nói.

Tuy nhiên, ngân sách các nước trong khối cũng đang chịu sức ép từ những ưu tiên khác, bao gồm quốc phòng và sản xuất vũ khí, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng .

Bản thân các tổ chức EU ước tính rằng khối này cần hàng trăm tỷ Euro đầu tư bổ sung để thực hiện chương trình nghị sự xanh, phần lớn đến từ nguồn vốn tư nhân.

Gần 1.000 tổ chức công nghiệp và công ty EU đã ký một tuyên bố vào tháng 2 vạch ra "nhu cầu cấp bách về sự rõ ràng, tính dễ đoán định và niềm tin vào châu Âu và các chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp của khối".

Tuyên bố này cũng kêu gọi Quỹ phục hồi sau đại dịch trị giá 800 tỷ Euro của EU được sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm thu hồi và lưu trữ carbon "càng sớm càng tốt".

Kristian Ruby, Tổng thư ký của Hiệp hội các nhà sản xuất điện EU Eurelectric, cho biết những thách thức an ninh mới mà châu Âu phải đối mặt cũng đang ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

"Việc thảo luận về các mục tiêu giảm phát thải carbon trong bối cảnh một thế giới hòa bình với trật tự thế giới tự do dựa trên luật lệ rõ ràng khác biệt hơn nhiều so với hiện tại trong một môi trường đầy rẫy bất ổn,” ông Ruby nói.

Cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta vào tuần tới dự kiến sẽ trình bày báo cáo lên các nhà lãnh đạo EU về các biện pháp nhằm tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế EU trước sức ép từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Ruby cho biết điều "tạo ra sự khác biệt lớn trong bức tranh đầu tư tổng thể" là khả năng tiếp cận vốn ít rủi ro. "Các công cụ giảm rủi ro phù hợp sẽ đóng vai trò quan trọng vào lúc này". Bên cạnh đó, đại diện ERT nhận định yếu tố thị trường chung vẫn luôn là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của EU, trong đó con đường "nhanh nhất" dẫn tới phục hồi kinh tế là thúc đẩy động lực hội nhập giữa các quốc gia thành viên.