Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu cạn kiệt ngân sách, nền kinh tế đầu tàu EU đình trệ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Handelsblatt của Đức, dự trữ ngân sách của EU “thực tế đã cạn kiệt”. Trong khi đó, Đức - nền kinh tế đầu tàu của khối - giảm mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) hiện không có khả năng tài trợ cho các sáng kiến mới quan trọng nếu không cắt giảm các dự án thiết yếu.

Tờ 20 euro của châu Âu. Ảnh: Getty 
Tờ 20 euro của châu Âu. Ảnh: Getty 

Lãi suất tăng cao đã gây thêm áp lực lên ngân sách dài hạn của EU, vốn đã bị siết chặt bởi nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm xung đột quân sự Nga-Ukraine, di cư và thiếu nguồn cung cấp năng lượng, tờ Handelsblatt đưa tin đầu tuần này.

Theo tờ Handelsblatt, cùng với những tác động của đại dịch Covid-19, những khó khăn trên đã gây thêm nhiều áp lực với nguồn tài chính của EU. Tờ báo cho biết, dự trữ ngân sách của EU “thực tế đã cạn kiệt”, trong khi các thách thức đang tăng và khả năng hành động của Brussels đang giảm dần.

Thông tin được đưa ra trước cuộc đánh giá của EU về ngân sách năm 2024 và Khung tài chính dài hạn (MFF) cho các năm 2021-2027.

Theo bài báo, mức độ sẵn sàng trang trải chi phí của ngân sách của các quốc gia thành viên EU là thấp, đặc biệt là ở Đức, quốc gia đóng góp ròng quan trọng nhất cho liên minh.

Tất cả yếu tố trên có thể làm suy yếu khả năng của EU trong việc tài trợ cho các ưu tiên hoặc phản ứng với các sự kiện không lường trước được, đồng thời khiến các chương trình quan trọng hàng đầu gặp rủi ro.

Báo cáo chỉ ra rằng EU có rất nhiều khoản chi tiêu bắt buộc nên chỉ còn chưa đến 30 tỷ euro mỗi năm để cùng lúc hỗ trợ Ukraine, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, củng cố ngành công nghiệp chip, thúc đẩy sản xuất công nghệ sạch nội khối, mở ra nguồn nguyên liệu mới…

Handelsblatt kết luận, do bị giới hạn bởi chi tiêu bắt buộc cứng, EU không thể vươn lên trở thành cường quốc địa chính trị. Thậm chí với cấu trúc ngân sách hiện tại, khối kinh tế này không thể đối mặt với những thách thức tiềm tàng. 

Động lực của nền kinh tế đầu tàu EU đình trệ

Đài RT dẫn dữ liệu từ Văn phòng thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, các đơn đặt hàng nhà máy tại nước này đã giảm trong tháng 4 trong bối cảnh giá cao liên tục khiến lượng mua hàng quy mô lớn suy yếu.

Tổng số đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất  trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với tháng 3. Trước đó, tổng số đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất của tháng 3 giảm 10,9% so với tháng 2 - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020 trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19.

Các đơn đặt hàng nhà máy tại Đức giảm mạnh trong tháng 4. Ảnh: Getty 
Các đơn đặt hàng nhà máy tại Đức giảm mạnh trong tháng 4. Ảnh: Getty 

Tuy nhiên, sự sụt giảm trong tháng 4 là đáng chú ý so với số liệu của năm ngoái, khi các đơn đặt hàng giảm 9,9% so với  cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể trong đơn đặt hàng giữa các ngành công nghiệp. Trong tháng 4, đơn đặt hàng trong lĩnh vực sản xuất máy móc và thiết bị sụt 6,2% so với tháng 3, trong khi đơn đặt hàng các phương tiện như tàu biển, tàu hỏa, máy bay, tàu vũ trụ và phương tiện quân sự, giảm 34%.

Theo Destatis, những lĩnh vực này có tác động tiêu cực đặc biệt mạnh mẽ đến số liệu thống kê tổng thể.

Bên cạnh đó, đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất cũng hạ lần lượt 2,5% và 1,7%. Tuy nhiên, thiết bị điện và phương tiện có động cơ ghi nhận mức tăng lần lượt là 12% và 2,4%. Tổng số đơn đặt hàng trong nước tăng nhẹ khoảng 1,6%. Trong khi đó, đơn đặt hàng nước ngoài giảm 1,8%.

Các nhà phân tích cho rằng, sự sụt giảm trong các đơn đặt hàng sản xuất là do giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, đang kéo nhu cầu đi xuống. Đức đã chính thức bước vào suy thoái sau hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đức cho biết “nền kinh tế định hướng xuất khẩu của nước này đang chịu ảnh hưởng đặc biệt từ nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và sự sụt giảm đơn đặt hàng từ khu vực đồng tiền chung euro”.

Theo các nhà kinh tế tại Commerzbank, lượng đơn đặt hàng tồn đọng hiện tại có thể đủ để ngành công nghiệp Đức sản xuất trong một vài tháng. Tuy nhiên, do khan hiếm các đơn đặt hàng mới, hoạt động công nghiệp có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong 6 tháng cuối năm nay. Khi đó, ngành công nghiệp có thể sẽ là lý do chính khiến nền kinh tế Đức tiếp tục suy thoái.