Châu Âu chưa thể yên tâm dù kho dự trữ khí đốt đạt mức kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu vẫn có nguy cơ biến động mạnh vào mùa Đông năm nay nếu cuộc xung đột tại Trung Đông leo thang làm gián đoạn vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar cho khu vực này.

An ninh năng lượng chưa chắc chắn

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng khoảng 40% kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng phiến quân Hamas hôm 7/10 vừa qua.

Châu Âu khó dựa vào kho dự trữ đầy để vượt qua mùa Đông năm nay. Ảnh: CNN
Châu Âu khó dựa vào kho dự trữ đầy để vượt qua mùa Đông năm nay. Ảnh: CNN

Bằng nhiều giải pháp để bù đắp nguồn cung năng lượng của Nga cùng với thời tiết ôn hòa, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã may mắn tránh được cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông năm ngoái.

Khối gồm 27 quốc gia, vốn phụ thuộc gần một nửa nguồn cung khí đốt từ Nga trước thời điểm chiến sự bùng phát tại Ukraine vào tháng 2/2022, đã đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua đường ống từ nhiều nước. Bên cạnh đó, các nước EU cũng hối thúc người dân cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Hiện các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã được lấp đầy tới 99%, cao hơn mức 90% được cơ quan điều hành năng lượng EU yêu cầu vào đầu năm nay.

Trong báo cáo hàng tháng công bố hồi tháng 10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng khí đốt ở châu Âu khó có thể xảy ra trong mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, giá mặt hàng nhiên liệu này vẫn đối mặt nguy cơ biến động trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm tới.

Báo cáo IEA nêu rõ: “Nguồn cung LNG tăng không đủ để giúp châu Âu bù đắp nguồn cung năng lượng Nga trong dài hạn. Như vậy, nguy cơ biến động giá khí đốt, đặc biệt trong trường hợp mùa Đông lạnh giá, vẫn rất cao”.

Theo cơ quan tư vấn Moody's, thị trường khí đốt châu Âu có thể mất cân bằng nếu mùa Đông sắp tới lạnh hơn nhiều so với dự báo, hoặc Nga - nước vẫn cung cấp khí đốt qua đường ống cho một số nước châu Âu, bao gồm Hungary và Áo - dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu qua đường ống.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Jack Sharples tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói với đài CNN rằng một số nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất của khối như Na Uy, Azerbaijan và Algeria không có nhiều công suất dự phòng. “Các nhà giao dịch khí đốt tại châu Âu thường rất nhạy cảm với việc thị trường năng lượng bị thắt chặt. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu tăng bất thường hoặc nguồn cung bị cắt giảm đột ngột chắc chắn sẽ khiến giá khí đốt tăng vọt” - vị chuyên gia lưu ý thêm.

Triển vọng giá khí đốt tự nhiên châu Âu

Phát biểu với hãng tin Euronews, Michael Baker, giám đốc tư vấn tại Capital.com cho biết, diễn biến phức tạp giữa cung và cầu trên thị trường, vấn đề thời tiết, căng thẳng địa chính trị và tâm lý của giới giao dịch đang ảnh hưởng rất lớn đến giá khí đốt tại châu Âu.

Theo ông Baker, giá khí đốt tại châu Âu có thể tăng mạnh nếu cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng tại Trung Đông. Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn lạc quan khi nói rằng nếu thời tiết trong mùa Đông năm nay ôn hòa như dự báo thì giá khí đốt có thể không biến động nhiều.

Trong khi đó, Osama Rizvi - nhà phân tích kinh tế và năng lượng tại Primary Vision Network, cảnh báo rằng khí đốt dường như là một trong những thị trường dễ bị tổn thương nhất do cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

Các cuộc giao tranh tại Dải Gaza làm gia tăng lo ngại rằng xung đột có thể lan rộng khắp khu vực Trung Đông và ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường biển qua Eo biển Hormuz, tuyến đường biển chiến lược của thị trường LNG thế giới.

Theo báo cáo của cơ quan S&P Global, khoảng 1/5 nguồn cung LNG toàn cầu được vận chuyển qua eo biển ở phía Nam Iran.

Bên cạnh đó, mỏ khí đốt Tamar của Israel đã bị đóng cửa sau các cuộc tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10. Nếu việc đóng cửa mỏ Tamar kéo dài, điều này có thể làm giảm không chỉ nguồn cung cho Israel, mà còn ảnh hưởng xuất khẩu điện sang Ai Cập trong dài hạn.

Đây sẽ là lý do làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng của Ai Cập và cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu LNG của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU.

Moody's dự báo giá nhiên liệu ở châu Âu sẽ vẫn cao hơn những nơi khác. Giá khí đốt tăng cao đã tác động lớn đến đà tăng trưởng kinh  tế của nhiều quốc gia châu Âu - đặc biệt là Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực - vì họ phụ thuộc vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng.