Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông tới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia cảnh báo giá năng lượng tại các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng cao vào mùa Đông tới do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh.

EU đã không đảm bảo đủ các hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga bị giảm mạnh từ năm ngoái.

Kho dự trữ LNG ở cảng Barcelona. Ảnh: AFP
Kho dự trữ LNG ở cảng Barcelona. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, các nước EU đang phải đối mặt với khả năng chi phí năng lượng tăng đột biến vào mùa Đông tới do nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc.

Khối này đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm 2022 bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp khác lên 121 triệu tấn, tăng 60% so với năm 2021.

Phần lớn lượng LNG này được EU mua trên thị trường giao ngay, nơi giá LNG cao hơn đáng kể so với chi phí được đàm phán theo các hợp đồng dài hạn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá LNG đã tăng gấp hơn 3 lần trong năm ngoái, và EU đã chi khoảng 190 tỷ USD cho khí đốt siêu lạnh.

Vào năm 2022, EU chiếm hơn 1/3 thị trường LNG giao ngay toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 13% vào năm 2021. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng con số này có thể tăng lên hơn 50% nếu khối này không đảm bảo được các thỏa thuận dài hạn.

Morten Frisch, đối tác cấp cao của Morten Frisch Consulting, nói rằng EU nên mua khoảng 70-75% lượng LNG của mình thông qua các hợp đồng mua bán dài hạn. Vị chuyên gia lưu ý thêm: “Lãnh đạo các nước châu Âu đã kỳ vọng rằng hydro có thể thay thế khí đốt tự nhiên ở mức độ lớn vào năm 2030, do đó châu lục này đã trở nên quá phụ thuộc vào việc mua LNG giao ngay và ngắn hạn”.

Trong khi đó, những khách hàng châu Á đang dẫn đầu cuộc đua giành nguồn cung LNG toàn cầu hạn chế, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Chuyên gia LNG Victor Tenev tại công ty tư vấn ROITI cho biết: "Các doanh nghiệp năng lượng EU cần phải hành động trước bằng cách ký kết các hợp đồng mua bán dài hạn, quy mô lớn dựa trên mô hình của Trung Quốc, để tự bảo vệ mình trước những rủi ro của thị trường LNG toàn cầu đầy biến động".

Theo ông Tenev, EU vẫn còn một chặng đường dài để thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga và khiến khối này một lần nữa phải đối mặt với thị trường  đắt đỏ.

EU “đi cửa sau” để mua dầu của Nga

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã đẩy mạnh cung cấp dầu diesel và nhiên liệu máy bay cho EU sau khi New Delhi nhập khẩu dầu của Nga tăng lên mức kỷ lục trong năm tài chính 2022-2023 (kết thúc vào tháng 3/2023).

Trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu sơ bộ từ Kpler và Vortexa, Reuters cho rằng EU đã sử dụng Ấn Độ như một "cửa sau", do lượng dầu nhập khẩu từ Nga của New Delhi tăng mạnh sau khi lệnh cấm vận với dầu Nga của EU có hiệu lực từ ngày 5/2.

Lượng dầu nhập khẩu từ Nga của New Delhi tăng mạnh sau khi lệnh cấm vận với dầu Nga của EU có hiệu lực  vào đầu tháng 2/2023. Ảnh: RT
Lượng dầu nhập khẩu từ Nga của New Delhi tăng mạnh sau khi lệnh cấm vận với dầu Nga của EU có hiệu lực  vào đầu tháng 2/2023. Ảnh: RT

Trong năm tài chính 2022-2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua từ 970.000 đến 981.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả nước (khoảng 4,5-4,6 triệu thùng mỗi ngày), theo dữ liệu của Kpler và Vortexa.

Dầu thô giá rẻ của Nga cho phép các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng sản lượng và bán các sản phẩm dầu tinh chế sang EU với giá cạnh tranh.

Theo Kpler, Ấn Độ đã cung cấp trung bình 154.000 thùng dầu diesel và nhiên liệu máy bay mỗi ngày cho EU trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, khối lượng đã tăng vọt lên 200.000 thùng/ngày sau khi EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga vào đầu tháng 2/2023.

Xuất khẩu dầu diesel của Ấn Độ sang châu Âu đã tăng từ 12-16%, khoảng  150.000-167.000 thùng/ngày trong năm tài chính vừa qua do khách hàng phương Tây tránh các sản phẩm của Nga. Mức tăng trên đưa tỷ trọng xuất khẩu nhiên liệu của New Delhi lên 30%, cao hơn nhiều so với mức 21-24% một năm trước đó.

Theo Kpler, châu Âu chiếm khoảng 50% xuất khẩu nhiên liệu máy bay của Ấn Độ, trong đó Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan nằm trong số những nước tiêu thụdầu diesel tinh chế lớn nhất châu Âu tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới - bắt đầu tăng cường mua dầu của Nga ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị phương Tây trừng phạt.

Công ty năng lượng lớn của Nga Rosneft và tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ Indian Oil Corp đã ký một thỏa thuận nhằm "tăng đáng kể" nguồn cung dầu thô cho Ấn Độ và đa dạng hóa các loại sản phẩm.

Nga hiện chiếm 35% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, tăng từ mức dưới 1% vào năm 2021. Các số liệu cho thấy, trong tháng 3 vừa qua, lượng dầu nhập khẩu từ Nga đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp, đưa Moscow lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp “vàng đen” lớn nhất cho New Delhi.