Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế vì xung đột Nga - Ukraine

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đưa ra cảnh báo trên trong bài trả lời phỏng vấn tờ Maaseudun Tulevaisuus hôm 7/8.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: Tass
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: Tass

“Người dân Phần Lan và các nước EU khác sẽ phải quen với thực tế là nền kinh tế sẽ không còn tăng trưởng từ năm này qua năm khác,” hãng tin Tass dẫn phát biểu của Tổng thống Niinisto cho biết.

Theo Tổng thống Phần Lan, liên quan vấn đề này, “các nhiệm vụ trọng tâm là khả năng tự cung tự cấp của Phần Lan trong lĩnh vực an ninh, bất chấp quá trình gia nhập NATO, và sự độc lập của Phần Lan trong vấn đề cung cấp lương thực cho người dân”.

Ông Niinisto lưu ý rằng EU phải tính đến “nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine”. Theo Tổng thống Niinisto, tình trạng quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung, với Phần Lan nói riêng, phụ thuộc vào diễn biến tình hình ở Ukraine.

EU liên tục đưa ra các gói trừng phạt chống lại Nga sau khi quân đội nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

Ngày 21/7, gói trừng phạt thứ 7 của EU đối với Moscow liên quan tới xung đột tại Ukraine đã chính thức có hiệu lực, gồm các biện pháp cấm hoạt động mua, nhập khẩu hoặc chuyển giao vàng, trong đó có trang sức. Trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga được thông qua hồi tháng 6 vừa qua, liên minh này đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu mỏ của Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Tass đưa tin, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer hôm 5/8 cho biết lệnh cấm của EU đối với việc mua than của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 10/8 theo đúng kế hoạch. Tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng.

"Lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả mặt hàng than đá của Nga đã được EU thông qua hồi tháng 4 như một phần của gói lệnh trừng phạt thứ 5 đối với Nga. Ngày 10/8 là thời điểm kết thúc thời hạn nhập khẩu than của Nga và sẽ không được miễn trừ nữa. Chúng tôi tin rằng các nước thành viên sẽ thực hiện quyết định này," ông Mamer thông báo tại cuộc họp báo hôm 5/8.

“Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine buộc châu Âu phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch nói chung và nhiên liệu hóa thạch của Nga nói riêng” - người phát ngôn nhấn mạnh, đồng thời nói rằng “việc quay lại sử dụng than đá để sản xuất điện tại khu vực trong thời gian ngắn hạn có thể là hợp pháp nếu không có lựa chọn nào khác".

Các nước EU đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế không có khí thải carbon vào năm 2050. Để làm được điều này, phần lớn các quốc gia EU đã giảm đáng kể việc sản xuất điện bằng than, nguyên nhân gây ra lượng khí thải carbon lớn nhất vào khí quyển. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung năng lượng do các lệnh trừng phạt của EU với Nga, Ủy ban châu Âu đã cho phép các thành viên quay trở lại sản xuất than nhằm hạ nhiệt giá năng lượng.

Do bất ổn về nguồn cung, giá khí đốt trung bình ở châu Âu đã tăng gần 50% trong tháng 7.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn dữ liệu của sàn giao dịch ICE London cho biết giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong tháng 7 đã tăng gần 50% - từ 1.180 lên 1.805 USD/1.000 mét khối. Trong khi đó, các hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch trong khoảng 1.530-2.385 USD/1.000 mét khối. Hồi tháng 7 năm ngoái, giá chỉ ở mức dưới 500 USD/1.000 mét khối.

Các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung từ Nga ngày càng hạn hẹp.