IEA khuyến nghị giảm mạnh nhu cầu khí đốt
Theo hãng AP, theo báo cáo hàng quý về thị trường khí đốt vừa được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt 13% trong mùa đông năm nay trong trường hợp bị Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Việc cắt giảm nhu cầu này chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng tiết kiệm của người tiêu dùng, như điều chỉnh nhiệt sưởi thấp đi 1 độ, cũng như tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp và các dịch vụ tiện ích. Trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, các nước EU cuối tuần trước đã nhất trí cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc ít nhất 5% vào các khung giờ cao điểm.
Hiện dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đang trong tình trạng nhỏ giọt, chỉ còn chảy qua một đường ống đi qua Ukraine tới Slovakia, cùng một đường ống đi qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria. Hai đường ống khác, một đi qua biển Baltic tới Đức và một đi qua Belarus và Ba Lan, đều tạm dừng hoạt động vô thời hạn.
Báo cáo của IEA cũng chỉ ra một rủi ro khác đối với nguồn cung khí đốt là những đợt lạnh cuối mùa đông, điều cực kỳ nguy hiểm vì ở thời điểm đó, dự trữ khí đốt đã giảm xuống mức thấp. Mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt 88%, cao hơn kế hoạch đề ra là đạt 80% trước khi bước vào mùa đông.
Tuy nhiên, IEA cho rằng mức dự trữ khí đốt của châu Âu cần phải đạt 90% để khu vực này vượt qua mùa đông một cách an toàn trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng kỷ lục trong quý III đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) lên hơn 10%, và nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.
Các nước châu Âu đang tăng tốc bù đắp sự suy giảm nguồn cung khí đốt Nga bằng cách mua khí đốt với giá đắt đỏ từ các nguồn khác, như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar, hay khí đốt qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.
Mục tiêu của nỗ lực này là ngăn mức dự trữ khí đốt khỏi giảm sâu tới mức các nước trong EU phải chia khẩu phần khí đốt theo định mức cho các doanh nghiệp trong mùa đông năm nay.Theo IEA, dự trữ khí đốt phải duy trì trên mức 33% để châu lục này vượt qua mùa đông sắp tới một cách an toàn, còn dự trữ giảm thấp hơn mức đó sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nếu xuất hiện một đợt lạnh cuối mùa.
Viễn cảnh ảm đạm
Trong báo cáo hàng quý mới nhất, IEA cảnh báo viễn cảnh của thị trường khí đốt tại châu Âu vẫn ảm đạm. Theo IEA, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy thị trường có khả năng vẫn “thắt chặt” cho đến năm 2023 do Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu sau khi khóa van vô thời hạn đường ống khí đốt Nord Stream 1 hồi đầu tháng 9 vừa qua.
Ông Keisuke Sadamori - Giám đốc Thị trường Năng lượng và An ninh của IEA, cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine và việc nguồn cung khí đốt sang châu Âu giảm mạnh đang gây tổn hại nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ các nền kinh tế. Ông Sadamori lưu ý thêm rằng triển vọng thị trường khí đốt tại châu Âu chưa có nhiều tín hiệu tích cực và tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ vẫn căng thẳng trong năm 2023.
Các chuyên gia dự đoán giá khí đốt sẽ tiếp tục biến động trong những tháng tới trong bối cảnh các nước châu Âu tăng tốc nhập khẩu LNG, điều này đã đẩy giá tăng theo và dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung. "Nhập khẩu LNG của châu Âu dự kiến sẽ tăng hơn 60 tỷ mét khối (bcm) trong năm nay, hơn gấp đôi sản lượng xuất khẩu LNG trên toàn cầu, điều này cũng gây sức ép đối với thị trường LNG thế giới” – báo cáo của IEA nêu rõ.