Châu Âu đối phó với khủng bố: Cần cách tiếp cận mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lớn mạnh từng ngày với phạm vi mở rộng, nguồn vũ khí và tài chính được củng cố, châu Âu cần hành động ra sao hay chỉ dừng ở cảnh giác an ninh cao độ?

Đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà chức trách khu vực này, sau khi Brussels hiện diện trong danh sách các thủ đô châu Âu bị IS tấn công.
Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom kép tại Bỉ hôm 22/3.
Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom kép tại Bỉ hôm 22/3.
Vụ đánh bom liên hoàn tại sân bay Bỉ diễn ra chưa đầy một tuần sau khi cảnh sát nước này bắt được nghi phạm hàng đầu trong vụ tấn công liên hoàn nước Pháp năm ngoái. Bất chấp sự khắt khe của hệ thống an ninh thuộc bất kỳ quốc gia châu Âu nào, vẫn luôn tồn tại những mắt xích yếu để các thế lực xấu lợi dụng.

Europol - cơ quan cảnh sát liên châu Âu với ngân sách 100 triệu Euro và hơn 700 nhân viên nhưng chưa từng có quyền hành pháp thực tiễn. Từ trước tới nay, Europol không có quyền bắt giữ, chỉ đơn thuần tham gia điều tra các vụ án liên quốc gia châu Âu. Sau vụ tấn công Paris, Quốc hội châu Âu đã thông qua quyền thiết lập cơ quan theo dấu khủng bố và phá hủy chương trình truyền bá trên internet của IS cho Europol. Tuy nhiên, những điều chỉnh này tới tháng 4/2017 mới có hiệu lực. Trong khi đó, dự thảo chia sẻ dữ liệu hàng không giữa các nước châu Âu vẫn đang ùn ứ chờ thông qua.

Nếu không chủ động đẩy mạnh các biện pháp tuyển quân, gia tăng đào tạo quân sự và hút cạn các nguồn lực tài chính của IS, sẽ không thể ngăn vòi bạch tuộc của tổ chức này ngày càng vươn rộng, theo giới chức an ninh châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cũng khẳng định vụ tấn công đã góp phần thúc giục những nỗ lực đi tới thỏa thuận hòa bình ở Syria. Việc các chiến binh ngoại quốc rời châu Âu tới Syria, sau đó trở về Lục địa già để thực hiện các vụ tấn công không phải điều mới mẻ. Hồi tháng 5/2014, một công dân Pháp trở về châu Âu từ Syria chủ mưu vụ đánh bom bảo tàng Do Thái ở Brussels. Chủ tịch EU Donald Tusk sau các vụ tấn công khủng bố ở Brussel đã nhấn mạnh, những vụ tấn công này đánh dấu một hành động hèn hạ nữa của những kẻ khủng bố đã ra tay vì mục đích hận thù và bạo lực. "Các cơ quan châu Âu có trụ sở tại Bỉ biết ơn sự rộng lượng của chính phủ và nhân dân Bỉ. EU giờ đây đền đáp lại tinh thần đoàn kết này và sẽ thực hiện trọng trách của mình nhằm giúp Brussels và toàn bộ châu Âu chống lại mối đe dọa khủng bố mà chúng ta đều đang phải đối mặt" - ông Tusk tuyên bố.

Dù quan chức EU luôn khẳng định quyết tâm chống khủng bố nhưng họ không thể dự đoán quốc gia châu Âu nào sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của IS, với mạng lưới chân rết trải rộng khắp châu lục. Một châu Âu đang trong rối ren với vấn đề người di cư và nỗi lo nước Anh rời khỏi EU, giờ lại chồng chất thêm nguy cơ khủng bố. Sự đoàn kết và đồng lòng có lẽ là chưa đủ, thay vào đó châu Âu cần có một cách tiếp cận mới, một phương thức hợp tác mới hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các nguy cơ khủng bố.