Hôm 29/4, Kiev đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Ba Lan và các nước thuộc Liên minh châu (EU) chỉ trích lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản của nước này vào khối 27 nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói quyết định này “không thể chấp nhận được”. “Những biện pháp hạn chế như vậy, vì bất kỳ lý do gì, đều không tuân thủ Thỏa thuận liên kết Ukraine-EU cũng như các nguyên tắc và chuẩn mực của Thị trường chung EU”, ông Nikolenko viết trên Facebook.
Ông Nikolenko cho biết Kiev có "tất cả các cơ sở pháp lý" để ngay lập tức khôi phục xuất khẩu sang Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia và Bulgaria, cũng như tiếp tục quá cảnh không bị gián đoạn sang nhiều nước khác cả trong và ngoài EU.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi các đối tác (EU) tìm giải pháp cân bằng dựa trên luật pháp EU, Thỏa thuận Hiệp hội và trên tinh thần đoàn kết.
Trước đó, hôm 28/4, Ủy ban châu Âu (EC) và 5 quốc gia thành viên đã ký một thỏa thuận liên quan đến việc thay thế những lệnh cấm riêng lẻ do một số quốc gia áp lên hàng nhập khẩu của Ukraine bằng “các biện pháp tự vệ khẩn cấp” đối với bốn mặt hàng chủ lực gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương.
Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis ngày 28/4 đăng trên tài khoản Twitter rằng EU đã đạt được "thỏa thuận về nguyên tắc" với 5 nước thành viên "để giải quyết mối quan tâm của cả nông dân ở các nước láng giềng EU và Ukraine".
Ông Dombrovskis cho biết, thỏa thuận này bao gồm "các biện pháp tự vệ" đối với 4 sản phẩm gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương. Thỏa thuận này cũng bao gồm gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro (110 triệu USD) cho nông dân địa phương.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định, thỏa thuận này "bảo toàn năng lực xuất khẩu của Ukraine để nước này tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho thế giới và đảm bảo sinh kế cho nông dân".
Đầu tháng này, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria đã đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Romania không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, nhưng lại cùng với 4 nước khác kêu gọi Brussels giải phóng hàng hóa của Ukraine trong khu vực.
Brussels tuyên bố các lệnh cấm vận đơn phương đối với ngũ cốc Ukraine của các nước thành viên là hành động "không thể chấp nhận được" vì chúng làm suy yếu quy tắc thị trường chung của khối.
Năm ngoái, các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine đã được miễn thuế khi nhập cảnh vào EU như một cách giúp Ukraine tiếp cận khách hàng Trung Đông và châu Phi trong bối cảnh xung đột với Nga. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm này đã “hạ cánh” ở Đông Âu, tạo ra tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả và việc bán hàng của các nông dân trong khu vực.
Nhiều quốc gia Đông Âu, cụ thể là Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về dòng hàng hóa nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine. Tháng trước, họ đã yêu cầu EU hành động, đồng thời kêu gọi liên minh tái áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp của Kiev.