Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu giữa áp lực của Washington và Teheran

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cường quốc châu Âu và Tehran vừa cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi văn kiện lịch sử này.

Cam kết trên được đại diện Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đưa ra tại cuộc họp báo ngay sau cuộc họp bàn cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran tại Brussels giữa EU, Iran, Anh, Đức và Pháp. 

 Đại diện các nước Anh, Pháp, Đức và Iran trong cuộc họp tại Brussels.

Trong bài phát biểu trước giới truyền thông, đại diện cấp cao EU cho biết, các bên đã tái khẳng định quyết tâm trong việc tiếp tục thực hiện những cam kết của Thỏa thuận hạt nhân Iran và thảo luận việc này với tinh thần xây dựng. Theo đó, các chuyên gia EU đã bắt đầu vạch ra đề xuất tập trung vào 9 vấn đề chủ chốt, trong đó đảm bảo Tehran duy trì khả năng kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của mình cũng như tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại Iran. Những đề xuất này được vạch ra nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ chống các công ty làm ăn với Iran.

Các nước châu Âu đều nhất trí là nếu Iran vẫn tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thì châu Âu cũng sẽ giữ nguyên lập trường hiện nay. Với động thái trên, có thể thấy rõ cả Iran và EU đều tỏ rõ quyết tâm cứu vãn tình hình. Giới quan sát cho rằng, đối với châu Âu việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã đẩy khối này vào thế bị kẹt giữa hai bên. Bởi, trước mắt,  EU vẫn phải cố gắng bảo vệ được quyền lợi của các tập đoàn châu Âu đã đầu tư tới 2,5 tỷ Euro vào Iran trong những năm qua. Nhưng một mặt, EU cũng không muốn hy sinh lợi ích có được với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của châu Âu và là cường quốc số 1 thế giới.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, mối bận tâm lớn nhất của châu Âu trước hết là khía cạnh kinh tế. Cụ thể là làm sao vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế của chính mình, vừa bù đắp được cho thiệt hại kinh tế của Iran. Bởi, Iran đã tuyên bố là nước này sẽ chỉ tiếp tục tuân thủ thoả thuận hạt nhân 2015 nếu châu Âu đảm bảo bù đắp được các thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải chịu khi Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt kinh tế. Một trong các biện pháp được tính tới là trừng phạt nhằm trả đũa hay việc cho phép Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) đầu tư vào Iran và điều phối các hạn mức tín dụng bẳng đồng Euro thay vì đồng USD. 

Tuy nhiên, với vị thế hiện giờ của Mỹ trên thị trường tài chính, hay sự thống trị của đồng USD và sự hiện diện của các công ty châu Âu tại cường quốc số 1 thế giới đều sẽ khiến những biện pháp trên không còn hữu dụng. Do vậy, về lâu về dài, châu Âu sẽ phải tìm kiếm một giải pháp được Mỹ chấp nhận. Chính vì lẽ đó, các lãnh đạo EU đang tích cực thực hiện những nỗ lực ngoại giao, bằng việc họp thượng đỉnh chớp nhoáng tại Bulgaria hay việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đi thăm Nga để bàn thảo với Tổng thống Nga, Vladimir Putin trong vài ngày tới.