Theo Bộ trưởng Shulginov, châu Âu sẽ không thể từ bỏ khí đốt của Nga trước năm 2027.
“Châu Âu tự tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu đó trước năm 2027. Tình hình giá giao ngay hiện nay chứng tỏ việc từ bỏ khí đốt Nga không hề đơn giản. Châu Âu khó có thể dựa vào bất kỳ nước nào, ngoại trừ Mỹ - quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, Tass dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Shulginov trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7 ngày 6/9.
Ông Shulginov lưu ý thêm rằng mùa đông sắp tới sẽ chứng minh niềm tin của châu Âu vào khả năng từ bỏ khí đốt của Nga. Bộ trưởng Năng lượng Nga nhấn mạnh: “Điều đó có thể khiến các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hóa chất và sản xuất điện bằng khí đốt, phải ngừng hoạt động. Đây sẽ là một cuộc sống hoàn toàn mới đối với người dân châu Âu. Tôi tin rằng rất có thể châu Âu sẽ không thành công trong việc từ bỏ khí đốt của Nga” .
Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ lên kế hoạch nhằm ngừng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga năm 2027.
Trước khi diễn ra xung đột tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống với lưu lượng năm ngoái là khoảng 155 tỷ m3.
Ngày 31/8, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu. Theo kế hoạch ban đầu, Nord Stream 1 được dự kiến sẽ tiếp tục chuyển khí đốt sau quá trình bảo trì kéo dài 3 ngày, nhưng Gazprom hôm 3/9 thông báo rằng họ sẽ đóng cửa đường ống này vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.
Trong một diễn biến liên quan, RT hôm 5/9 đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 sẽ vẫn tồn tại đến khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga.
“Các vấn đề trong việc vận chuyển khí đốt đã nảy sinh do các lệnh trừng phạt mà các quốc gia phương Tây áp đặt lên đất nước chúng tôi và một số công ty, bao gồm cả Đức và Anh. Không có lý do nào khác đằng sau các vấn đề gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang chây Âu” – người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý.
Ông Peskov cũng tuyên bố không phải lỗi của Gazprom khi người châu Âu từ chối bảo dưỡng thiết bị của họ - điều mà họ có nghĩa vụ phải làm theo hợp đồng. Theo quan chức Điện Kremlin, tất cả các hoạt động của Nord Stream 1 đều phụ thuộc vào “một thiết bị cần được bảo trì nghiêm túc”.
Trước đó, hôm 4/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng nhắc lại bình luận trên. Ông Novak cho rằng EU đã tạo ra những vấn đề dẫn đến cản trở trong việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. “Toàn bộ lý do đều bắt nguồn từ phía EU, vì tất cả các điều kiện của hợp đồng sửa chữa đã bị họ vi phạm hoàn toàn cùng với các điều khoản vận chuyển thiết bị,” Phó Thủ tướng Nga cho hay.