Châu Âu lại “đứng ngồi không yên” vì khủng hoảng khí đốt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn trong tuần này khi giá khí đốt vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3 và có nguy cơ đẩy nền kinh tế châu lục này rơi vào suy thoái.

Giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục leo dốc 6% lên tới 251 euro/megawatt giờ (MWh) trong phiên ngày 17/8
Giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục leo dốc 6% lên tới 251 euro/megawatt giờ (MWh) trong phiên ngày 17/8

Giá khí đốt tăng chóng mặt 

Trong phiên giao dịch ngày 17/8, giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục leo dốc 6% lên tới 251 euro/megawatt giờ (MWh), trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực chạy đua dự trữ năng lượng để đảm bảo nguồn cung trước mùa đông.

Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 16/8, giá khí đốt châu Âu lần đầu tiên leo lên mức 2.500 USD/1.000 m3 kể từ ngày 8/3. Cụ thể, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan tăng lên mức 2.501,7 USD/1.000 m3, tương đương 238,765 euro/MWh. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với mức vốn đã rất cao trong tháng 6.

Nguyên nhân chính khiến giá khí đốt tăng mạnh trong tuần này được cho là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung khí đốt từ Nga. Giá khí đốt tại châu Âu đã ghi nhận mức tăng kỷ lục vào ngày 7/3/2022, lần đầu tiên trong lịch sử xấp xỉ ngưỡng 3.900 USD/1.000 m3.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom hôm 16/8 cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể leo dốc 60% trong mùa đông này vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm. Theo tập đoàn này, giá khí đốt giao ngay sang châu Âu đã lên mức 2.500 USD cho 1.000 m3 và nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá sẽ vượt 4.000 USD mỗi m3 trong mùa đông này.

Kể từ ngày 27/7 vừa qua, tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu chỉ hoạt động với 20% công suất tối đa do một số tuabin ngừng hoạt động. Theo báo cáo của Gazprom, trong hơn 7 tháng đầu năm 2022, tập đoàn này đã giảm 36,2% xuất khẩu khí đốt sang các nước ngoài khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) xuống còn 78,5 tỷ mét khối.

Bill Farren-Price, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Enverus cho biết: “Giá khí đốt ở châu Âu vẫn đang ở mức đỉnh mới. Thị trường năng lượng tại khu vực này có thể tiếp tục biến động mạnh trước nguy cơ nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn trước khi mùa đông bắt đầu”

Triển vọng tăng trưởng ảm đạm

Giá khí đốt vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng qua đã làm gia tăng những lo ngại kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh và giá cả hàng hóa tăng phi mã, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây sức ép lớn đối với đà tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mặc dù GDP của khu vực Eurozone đã tăng 0,7% trong quý II vừa qua, cao hơn kỳ vọng, song các giới chức cho rằng, khu vực EU sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Đầu tháng này, EC dự báo kinh tế EU tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 1,5% vào năm sau. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng việc Nga cắt hoàn toàn khí đốt cho châu Âu sẽ đẩy châu lục này rơi vào suy thoái trong năm 2022.

Mới đây, EC cảnh báo rằng việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể dẫn tới một cuộc suy thoái trong năm 2023. Giá khí đốt tăng cao đẩy chi phí của doanh nghiệp đi lên, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, từ đó khiến khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái từ mùa thu năm nay, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Phát biểu với đài CNBC gần đây, chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler tại Berenberg nói rằng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đang ở mức “đắt cắt cổ” so với mức giá trung bình giai đoạn 2015-2019. “Giá khí đốt tăng làm tăng chi phí của các công ty và thắt chặt túi tiền của người tiêu dùng, khiến họ giảm chi tiêu cho các loại hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu. Vì vậy, chúng tôi dự báo khu vực Eurozone sẽ suy thoái trong mùa thu năm nay với lạm phát vẫn ở mức cao” – chuyên gia Fiedler cảnh báo.

Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng khan hiếm năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, kể từ ngày 9/8 vừa qua, EU bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định việc cắt giảm lượng tiêu thụ cũng khó giúp châu Âu tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có bởi sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt của Nga, tới 40% tổng nhu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần