Châu Âu liệu có kịp ngăn chặn “làn sóng” biến thể Delta?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo hãng tin CNBC (Mỹ), ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể Delta phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lây lan mạnh mẽ ở châu Âu, đe dọa tạo ra một đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo, biến thể Delta vốn được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca nhiễm Covid-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8 tới. Cảnh báo của ECDC đã dội một “gáo nước lạnh” vào nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy mạnh tại châu Âu.
Biến thể Delta - cơn ác mộng của châu Âu
Theo bản cập nhật dịch Covid-19 hàng tuần được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 1/7, biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, hiện đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó.
Quang cảnh đông đúc tại lễ hội âm nhạc mùa hè ở thủ đô Paris, Pháp hôm 21/6/2021. Ảnh: Getty
Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia hay Bồ Đào Nha. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 29/6 thông báo, các ca mắc biến thể này đã có mặt trong khoảng 20% số ca nhiễm Covid-19 ở Pháp, tăng khoảng 10% so với tuần trước.
Theo kênh truyền hình Deutsche Welle ngày 29/6, biến thể Delta có thể chiếm hơn 50% số ca nhiễm ở Đức. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Viện Y tế Quốc gia Italia cho biết, số ca mắc biến thể  Delta và Kappa (một biến thể đáng quan ngại khác, có liên quan đến biến thể Delta) cũng đang tăng lên, chiếm khoảng 17% tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này.
Theo ECDC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 - 60% so với biến thể Alpha - lần đầu được phát hiện tại Anh, vốn cũng là một biến thể lây nhanh hơn chủng gốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo EU đang ở vào tình thế "đứng trên lớp băng mỏng" trong cuộc chiến với biến thể Delta, lo ngại biến chủng này sẽ đập tan mọi nỗ lực của châu lục suốt thời gian qua nhằm giảm thiểu tốc độ lây nhiễm dịch bệnh.
Vaccine sẽ là chìa khóa kiểm soát lây nhiễm
Trước sự bùng phát nguy hiểm của biến thể Delta, Đức và Pháp là 2 trong những quốc gia đã áp đặt các hạn chế kiểm dịch đối với du khách đến từ Anh. Đức cũng đã kêu gọi EU đưa ra cách tiếp cận thống nhất khi yêu cầu các du khách Anh đến EU phải cách ly. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng hành động này vẫn được xem là quá muộn và không đủ sức ngăn chặn một làn sóng dịch mới.
Chuyên gia về tiến hóa vi sinh vật Tom Wenseleers tại Đại học Catholique Louvain (Bỉ), nói rằng việc các nước châu Âu mở cửa nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp kiểm tra nhập cảnh có thể khiến dịch Covid-19 trở nên khó kiểm soát hơn. Ông Wenseleers cũng cảnh báo rằng số ca nhiễm chủng Delta ở châu Âu có thể cao hơn nhiều so với các ước tính hiện tại. Tuy nhiên, các chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể là cứu cánh nếu các quốc gia ở châu Âu có thể triển khai vaccine nhanh chóng.
Theo kết quả nghiên cứu của Dịch vụ Y tế công cộng Anh (PHE) vào tháng 5 vừa qua, cả hai loại vaccine của AstraZeneca/Oxford và Pfizer/BioNTech sản xuất đều có khả năng bảo vệ hiệu quả chống lại các biến thể Delta. Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm đáng kể nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine. 
Trước thực tế này, châu Âu cần phải chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho hàng triệu người, đặc biệt là người trẻ. Số liệu tại Anh cho thấy, người trẻ chưa tiêm vaccine và những người mới tiêm 1 liều có rủi ro bị nhiễm Covid-19 cao do biến thể Delta.
Chuyên gia Tom Wenseleers cũng đồng tình rằng “tăng tốc độ tiêm chủng tối đa và yêu cầu những người thuộc nhóm nguy cơ cao đề cao cảnh giác là những gì EU có thể làm để giảm nguy cơ lây nhiễm”. Hạn chế đi lại giữa các nước cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa biến thể Delta.