Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đang tác động ngày càng rõ rệt tới kinh tế và cuộc sống của người dân ở châu Âu, đồng thời báo hiệu một mùa đông khó khăn trên khắp châu lục.
Giá năng lượng tại châu Âu tăng kỷ lục
Mùa hè nắng nóng cùng đợt hạn hán kỷ lục đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, vốn đã thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung khi Nga cắt giảm mạnh dòng chảy khí đốt sang châu lục này sau những căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong tuần qua, giá điện ở các nước châu Âu tăng chóng mặt đến ngưỡng khó tưởng tượng trong những tháng qua và dự kiến sẽ tiếp tục lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Theo Oilprice, giá điện trong hợp đồng năm 2023 tại Hà Lan đã tăng lên hơn 365 Euro/MWh, trong khi giá hợp đồng tương đương ở Pháp vọt lên gần 900 Euro/MWh. Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của chính phủ cho hay giá trần năng lượng tại nước này sẽ tăng gần gấp đôi kể từ ngày 1/10 tới, từ mức 1.971 bảng lên 3.549 bảng/năm, và có thể tăng tiếp vào đầu năm sau.
Giá khí đốt châu Âu trong ngày 25/8 đã tăng lên gần 234 Euro/MWh, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp hơn 1.200 lần so với mức trung bình của thập niên 2010. Ngoài lý do là nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh, việc sản xuất điện ở nhiều nước châu Âu cũng gặp khó khăn lớn do hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ước tính hơn 1/5 lượng điện của châu Âu sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt và giá cao chắc chắn đẩy giá điện lên cao hơn.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom dự kiến sẽ đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo trì trong ba ngày từ ngày 31/8. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng các dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể bị ngừng hoàn toàn và tiếp tục gây áp lực lên giá khí đốt.
EU đối mặt “suy thoái kỹ thuật”
Theo tờ Businessinsider, ngân hàng Mỹ UBS nhận định châu Âu đang đối mặt với một cuộc “suy thoái kinh tế kỹ thuật” khi giá năng lượng leo thang, đồng thời cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực đối mặt với triển vọng thậm chí còn tồi tệ hơn trong trường hợp bắt buộc phải phân bổ khí đốt.
"Trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng đáng kể sẽ gây thêm áp lực lên tiêu dùng của các hộ gia đình và đầu tư cố định, chúng tôi dự kiến khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phải chịu một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán châu Âu sẽ tránh được kịch bản phải phân bổ năng lượng,” các nhà phân tích của UBS cho biết.
Theo các chuyên gia của UBS, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Nền kinh tế Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi giá điện tại nước này tính tới tháng 7 đã tăng vọt hơn 600% trong năm nay, gây áp lực lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nền kinh tế Đức đã trì trệ trong quý II/2022, và một số chuyên gia đã dự báo sắp xảy ra một cuộc suy thoái.
UBS nói thêm rằng, nền kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng nếu "những bất ổn chấm dứt nhanh hơn dự đoán," bao gồm căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, cùng với việc giá năng lượng giảm và có thêm các gói kích thích tài chính mạnh mẽ hơn. Các nhà phân tích UBS dự báo lạm phát ở khu vực Eurozone sẽ đạt đỉnh 9,4% vào tháng 9 trước khi giảm xuống khoảng 8,1% vào cuối năm nay.
Cũng có nhận định tương tự, chuyên gia trưởng về năng lượng của công ty Energy Aspects, bà Amrita Sen, nói rằng nền kinh tế khu vực Eurozone đối mặt với đợt suy thoái trong năm 2023 nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao. “Rõ ràng, giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao đang gây thêm sức ép rất lớn đối với lạm phát tại châu Âu, vốn đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Do đà tăng sốc của giá khí đốt, tổng sản phẩm GDP của châu Âu có thể sẽ giảm 1,4% trong năm tới," bà Sen nói với kênh truyền hình Bloomberg hôm 27/8.