Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố ở London. Cảnh sát Anh đã bắt giữ 12 đối tượng liên quan đến vụ khủng bố liên hoàn.
Tình hình càng trở nên phức tạp, bởi ngày càng có nhiều tay súng người Anh trở về từ chiến trường Syria, điều này có nghĩa nguy cơ đồng loạt đến từ nhiều phía. “Chiến lược chống khủng bố đang chịu áp lực", một nguồn tin tình báo Anh cho hay. Cũng theo nguồn tin này, các nước phương Tây hiện phải đối mặt với đồng thời 2 mối đe dọa từ lực lượng khủng bố của IS và al-Qaeda. "Những kẻ khủng bố đang kêu gọi tấn công ngay ở phương Tây. Nguy cơ đang thay đổi và hiện đã lớn hơn trước”, chuyên gia tình báo này nhấn mạnh.
Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi điều chỉnh chiến lược chống chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt nhấn mạnh trong quản lý chặt chẽ các nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội. Đồng thời cho rằng, trên internet hiện có quá nhiều không gian cho các phần tử thánh chiến hoạt động. Truyền thông Anh cũng cảnh báo về tình trạng phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng kênh YouTube như một biện pháp để tuyên truyền cho chủ nghĩa “tử vì đạo”. Theo cảnh sát Anh, một nghi phạm trong vụ tấn công liên hoàn đêm 3/6 đã từng “khoe khoang” về ý tưởng sử dụng ô tô như một vũ khí và nhiều lần thuyết phục những người khác cùng thực hiện.
Trước thực trạng này, đại diện Facebook khẳng định, nỗ lực giám sát, sàng lọc các nội dung cổ súy tư tưởng cực đoan. Hãng hướng tới xây dựng và phát triển một hệ thống truyền thông xã hội nói “không” đối với những kẻ khủng bố và kẻ gieo rắc tư tưởng cực đoan, kích động bạo lực. Trong khi đó, Twitter cũng đang phát triển công nghệ để tiếp tục loại bỏ các loại nội dung liên quan đến khủng bố. Theo đó, Twitter đã đóng gần 400.000 tài khoản trong 6 tháng cuối năm 2016.
Vụ khủng bố tại Anh cũng đang đặt ra mối lo ngại lớn với ngành hàng không thế giới. Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac nhận định, vụ tấn công khủng bố tại London có thể khiến du khách lo ngại về tình trạng an ninh tương tự các vụ tấn công tại nhiều nước châu Âu trong năm 2016. Anh và Mỹ đã quyết định cấm mang máy tính xách tay và máy tính bảng lên các chuyến bay. Tuy nhiên, IATA ước tính, nếu lệnh này được áp dụng trên tất cả các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu, ngành hàng không sẽ tổn thất khoảng 1,4 tỷ USD doanh thu, bởi hành khách sẽ có xu hướng tránh những chuyến bay áp dụng lệnh cấm trên.