Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu đang mắc kẹt giữa tăng cường hợp tác với Trung Quốc và duy trì quan hệ với Mỹ, nhất là khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhau trong tuần này. Nguồn: CNBC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhau trong tuần này. Nguồn: CNBC

Các quan chức châu Âu đang tới Trung Quốc với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh có tiếng nói mạnh mẽ về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đang vừa phải phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng cũng không vì thế mà xa rời Mỹ khi mà hai bên có mối quan hệ chính trị và văn hóa chặt chẽ. Vấn đề này thực sự nan giản khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang cũng như việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

“Rõ ràng mối quan hệ của chúng ta đã trở nên xa cách và khó khăn hơn trong vài năm gần đây” - Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết vào hôm 30/3, trước chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần này.

“Chúng ta đã thấy Trung Quốc có thái độ cứng rắn như thế nào trong thời gian gần đây. Và giờ đây họ càng quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình” - Bà nói thêm.

Đi cùng với bà tới Bắc Kinh là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong khi đó, vào tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thêm nữa, nhà ngoại giao hàng đầu của châu Âu, Josep Borrell, sẽ đến Trung Quốc vào tuần tới.

Ông Borrell cho biết: “Hiện có rất nhiều vị khách quan trọng từ châu Âu đến Trung Quốc với thông điệp rõ ràng. Lập trường của họ về tình hình chiến sự Nga-Ukraine sẽ quyết định mối quan hệ giữa châu Âu với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã không thành công trong đề xuất kế hoạch hòa bình đối với cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định mối quan hệ thân thiết với người đồng cấp Nga.

Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm đối với cuộc chiến ở Ukraine. Kế hoạch này không đề cập rõ việc liệu Nga có cần rời khỏi lãnh thổ Ukraine để thỏa thuận được hoàn tất hay không? Tuy nhiên, Ukraine đã nêu rõ quan điểm không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà không liên quan đến việc giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea mà Điện Kremlin đã sáp nhập vào năm 2014.

Trả lời phỏng vấn của CNBC vào hôm 3/4, Niclas Poitiers, một nhà nghiên cứu tại Brussels, Bỉ, cho biết châu Âu có khá nhiều điểm tương đồng với Mỹ, và khối 27 thành viên này muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong quá khứ, EU phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga và giờ đây họ muốn tránh những sai lầm tương tự với các khu vực khác trên thế giới.

Ông nói thêm: “Nhìn chung, các nước châu Âu nhất trí việc vừa phải giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong khi không khai thác quá nhiều từ các quốc gia thành viên nhỏ.

Một ví dụ gần đây về mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và EU là việc Hà Lan tiếp tục hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm giảm bớt khả năng tiếp cận của nền kinh tế số 2 thế giới với nền sản xuất vi mạch tiên tiến nhất.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã trở thành nhà cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chính của châu Âu vào năm ngoái khi khu vực này tìm cách loại bỏ dần hydrocarbon của Nga.

Không chỉ vậy, các quốc gia EU và Mỹ còn tăng cường hợp tác về an ninh do hầu hết đều là thành viên của NATO.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken mới đây khẳng định: "Mối liên kết giữa chúng tôi và Liên minh châu Âu là vô cùng chặt chẽ, đến mức có thể sẵn sàng chia sẻ cho nhau những lợi ích chung”.

Trong tuần này, ông Blinken sẽ gặp những người đồng cấp NATO để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine cũng như củng cố tài chính cho liên minh quân sự này.

Thế nhưng, việc xích lại gần Mỹ chưa bao giờ là quyết định dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo châu Âu khi mà Trung Quốc là một đối tác vô cùng quan trọng của khu vực này trong nhiều năm. Vào năm 2022, nền kinh tế thứ 2 thế giới là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là bạn hàng lớn thứ ba của EU. Mọi việc càng khó khăn hơn khi EU đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến ở Ukraine.