Theo hãng tin RT, theo tài liệu hướng dẫn mà EC gửi tới các nước thành viên EU mới đây, quy trình thanh toán theo đề nghị của Nga không nằm trong lệnh trừng phạt của khối này đối với Moscow. Mặc dù vậy EC cũng nhấn mạnh "các thủ tục thanh toán đó hiện chưa rõ ràng”.
Trước đó vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các nước được coi là "không thân thiện", gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine, phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp. Theo yêu cầu thanh toán mới, những nhà nhập khẩu năng lượng của EU sẽ phải mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để thực hiện thanh toán bằng euro hoặc đồng USD, rồi sau đó sẽ được chuyển đổi sang đồng rúp.
Trong khi đó, theo hãng tin Tass, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/4 cho biết lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga sẽ không thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, ngược lại nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đức và EU.
“Tôi hoàn toàn không thấy một lệnh cấm vận khí đốt của Nga có thể giúp chấm dứt cuộc chiến," Thủ tướng Scholz phát biểu với tuần báo Der Spiegel của Đức. Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng lệnh trừng phạt nhắm vào khí đốt Nga sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Đức, khiến Berlin gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine cũng như các nỗ lực tái thiết sau xung đột.
“Chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đức, đối với toàn bộ châu Âu, và nó cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết Ukraine. Đức không thể để điều đó xảy ra," Thủ tướng Scholz nói.
Trước đó, hôm 21/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh việc châu Âu đã giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, song cảnh báo điều này có thể gây ra những hậu quả kinh tế khó lường với chính các nước EU và Mỹ nếu tiến hành việc việc giảm nhập khẩu quá nhanh.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko tại Washington hôm 21/4, bà Yellen cảnh báo rằng một lệnh cấm vận toàn diện đối với năng lượng của Nga có thể gây hại đối với châu Âu nhiều hơn Moscow.
Bà Yellen lập luận rằng nếu EU chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, điều này sẽ khiến giá dầu, than và khí đốt tại khu vực tiếp tục tăng mạnh. Nga vẫn có thể chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác sẵn sàng trả mức giá cao hơn.
Châu Âu hiện là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga. Trong năm 2020, EU đã nhập khẩu khoảng 138 triệu tấn dầu mỏ trong tổng số 260 triệu tấn xuất khẩu của Nga, chiếm khoảng 53%, theo BP Statistical Review of World Energy.